Thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) về đêm. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Báo cáo thường niên cho rằng, lục địa đông dân nhất thế giới tiếp tục là nơi tốn kém nhất đối với các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao và siêu cao (HNWI), khi phản ứng nhanh chóng của khu vực đối với cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, cũng như sự ổn định tiền tệ nói chung giúp duy trì giá cả hàng hoá và dịch vụ xa xỉ trong khu vực.
Cụ thể, 4 trong số 5 thành phố đắt đỏ nhất đối với các HNWI hiện đang nằm ở châu Á. Thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng gồm 25 thành phố toàn cầu, trở thành nơi đắt đỏ nhất để sống đối với HNWI, những cá nhân sở hữu tài sản có thể đầu tư từ 1 triệu USD trở lên. Tiếp đó, Hồng Kông, nơi nắm giữ vị trí số 1 của năm ngoái, đã tụt xuống vị trí thứ 3 trong năm nay; trong khi Tokyo (Nhật Bản) giữ vững ở vị trí thứ 2. Cũng nằm trong top 5 của bảng xếp hạng là Đài Bắc (Đài Loan).
Ông Rajesh Manwani, người đứng đầu bộ phận thị trường và các giải pháp quản lý tài sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Ngân hàng Julius Baer nhận định: “COVID-19 (ở châu Á) đã không trở thành một dịch bệnh giống như các quốc gia khác trong bảng xếp hạng”.
Trong khi đó, khu vực châu Âu và Trung Đông được xếp hạng ở vị trí thứ 2, khi phần lớn các thành phố đại diện trong khu vực nổi lên nhờ sức mạnh của đồng euro và đồng franc Thụy Sĩ. Mặt khác, châu Mỹ, nơi hứng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, lại nổi lên như một khu vực rẻ nhất để sống một đời sống xa hoa, khi đồng USD và đồng đô la Canada giảm so với các loại tiền tệ lớn khác trên toàn cầu.
Những loại hàng hóa và dịch vụ xa xỉ mới “phải có”
Bảng xếp hạng thường niên dựa trên giá cả của một loạt các loại hàng hóa và dịch vụ xa xỉ đại diện cho những giao dịch mua tùy ý của HNWI trên khắp 25 thành phố toàn cầu. Đáng chú ý, trong năm nay, danh sách này chứng kiến những thay đổi lớn, 4 trong số 18 mặt hàng đã được thay thế, khi đại dịch COVID-19 làm thay đổi thói quen chi tiêu của người tiêu dùng.
Huấn luyện viên cá nhân, những bữa tiệc cưới, botox, và đàn piano đã được thay thế bằng xe đạp, máy chạy bộ, bảo hiểm y tế, gói công nghệ bao gồm máy tính xách tay và điện thoại. Báo cáo lưu ý: “Trong suốt một năm phải đối mặt với các đợt phong toả trên toàn cầu, công nghệ cá nhân và máy chạy bộ ghi nhận mức tăng phổ biến, trong khi giá bán đối với giày của nữ giới lại giảm mạnh”.
Ông Rajesh Manwani cho rằng: “Trong thời gian tới, tất cả các mặt hàng này sẽ tiếp tục có chỗ đứng trong danh sách”; đồng thời dự báo những sự thay đổi do đại dịch gây ra sẽ trở thành vĩnh viễn.
Nhìn chung, các mặt hàng và dịch vụ xa xỉ có mức giảm giá mạnh nhất tính theo USD là giày nữ (giảm 11,7%), phòng khách sạn (giảm 9,3%), và rượu vang (giảm 5,3%). Trong khi đó, những mặt hàng và dịch vụ ghi nhận mức tăng lớn nhất là các chuyến bay hạng thương gia (tăng 11,4%), rượu whisky (tăng 9,9%), và đồng hồ (tăng 6,6%).
Những xu hướng cần quan sát
Báo cáo của Ngân hàng Julius Baer tiếp tục lưu ý, châu Á được dự báo sẽ duy trì vị trí là khu vực đắt đỏ nhất thế giới đối với những người giàu có trong những năm tới, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.
Theo đó, ông Mark Matthews, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Ngân hàng Julius Baer cho biết, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ sẽ mở rộng, và nơi này sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là thị trường của các mặt hàng và dịch vụ xa xỉ vượt trội của thế giới. Đến năm 2025, Trung Quốc được dự báo sẽ chiếm 47-49% thị trường xa xỉ, so với 16-18% của Mỹ, và 12-14% của châu Âu.
Tuy nhiên, 2 xu hướng khác có thể thay đổi cách tiêu tiền của các cá nhân giàu có trong những năm tới, đó là: tiêu dùng có ý thức, và ưu tiên trải nghiệm hàng hóa và dịch vụ.
“Chúng tôi tin rằng, lối sống tiêu dùng có ý thức đã và đang thực sự trở thành xu hướng thịnh hành. Mọi người có thể cắt giảm những chuyến bay đường dài và bắt đầu mua xe điện, thay đổi chế độ ăn và từ chối xu hướng “thời trang nhanh”, ông Rajesh Manwani cho hay. Trong đó, người tiêu dùng Thế hệ Z (những người sinh ra trong giai đoạn từ giữa thập niên 1990 của thế kỷ trước, đến những năm đầu thập niên 2010) quan tâm đến xu hướng này.
LÊ THẢO (Lược dịch từ CNBC)