Tôi luôn thích đi con đường thơ mộng này. Thiệt mừng khi con đường đi bộ lát bằng đá thanh tưởng chỉ là mơ, đã nối lên được từ cầu Trường Tiền lên đến chùa Thiên Mụ. Ôi, con đường dọc bờ sông xưa, nơi vị chúa Nguyễn Hoàng nhận được nén hương thiêng từ đồi Hà Khê, xuôi về định đô theo lời của bà Mụ sông Hương trong huyền tích! Tất cả ngỡ đã mờ đi, thời gian bụi cuốn đường mây, giờ đã lại hiển hiện như một niềm thiêng.

Phong trào đi bộ, đạp xe buổi sáng khiến cho bờ bắc sông Hương như trẻ lại, phơi phới niềm vui. Riêng tôi, không chi bằng vừa thanh thản đạp xe trên con đường mới ngắm sông thơ, lại vừa có thể ngó thấy nhà ông mệ nội ẩn hiện trong yên lặng xanh mờ của tre trúc, cây trái bên bờ nam. Xa hơn một chút là triền đồi thâm thấp, xanh xanh của làng Dương Xuân Thượng.

Ở nơi con đường Nguyễn Hoàng gặp đường Kim Long, nơi trên bến sông ngày xửa, ngày xưa, có cô gái làng Kim Luông là bà nội tôi ngồi giặt áo. Một ngày đẹp trời đã lên chiếc đò ngang kết hoa, qua sông, làm dâu bến Giang Dinh (Phường Đúc bây chừ). Chuyến đò ngang thuở ấy đã về cõi mờ xa tít tắp... Chẳng còn bao xa nữa, cây cầu Nguyễn Hoàng sẽ nối đôi bờ.

Nếu đạp xe vào buổi chiều tà, thích nhất là  để xe trên đồi Hà Khê. Rồi theo những bậc cấp đi xuống, thả chân trần bên thềm nước dưới chân chùa Thiên Mụ, ngồi thật yên, lắng nghe tiếng sóng vỗ bờ róc rách, dịu êm. Cứ hãy ngồi yên lặng hít thở, lắng nghe lời sông miên man hát cho đến khi những tia hồi quang cuối cùng vừa tắt. Mặt sông và mặt người cùng nhuộm thẫm tím trong màu tím huyền hoặc.

Nhưng nếu bạn quay về sớm hơn, khi mặt trời vừa mới tà tà gác núi, sẽ thú vị lắm luôn khi được ngắm từng đàn cò trắng bay nhanh về tổ theo con nước xuôi dòng. Thỉnh thoảng gặp con thuyền mô đó, chúng dâng cánh bay cao lên rồi lại nghiêng cánh bay sà xuống mặt nước, đầy thân thương, trước khi về đậu trắng rặng tre xanh sẫm màu chiều ở bãi bờ cồn Dã Viên. Một vẻ đẹp nguyên sơ muôn thuở của làng Việt nguyên vẹn giữa lòng thành Huế.

Huế đâu có buồn như cách nghĩ mòn vẹt của ai. Huống chi, con đường Kim Luông với bao dấu xưa còn đó - con đường của những phủ đệ, của những chiếc cổng vòm chứa chở bao trầm tích, gội nước thời gian... Nơi từng có con thuyền Ngự neo đậu, nơi trái tim nhà vua, cũng đã phải vượt qua bao rào cản, để sống với chính mình, cho mình: “Kim Luông có gái mỹ miều/Trẫm yêu, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi.”

Tôi hay bâng quơ mỉm cười và thật lòng muốn trò chuyện với những triền hoa không tên màu tím hồng nở dưới chân những bức tường xây bằng đá cổ. Răng kỳ lạ rứa hí, nơi mô có dinh thự, thành quách, mộ chí của hoàng tộc, là nơi ấy xuất hiện cơ man những bông hoa tím hồng, cánh hoa tròn xinh, nhỏ bé, hiền hoà, tươi như hồn thôn nữ. Tôi từng rất mong muốn trong những không gian cổ của Huế tràn ngập sắc hoa này, như kiểu tam giác mạch ở Hà Giang, Huế của tôi ơi!

Có lúc, hòa chung niềm vui phố, là khi tôi cùng vài người bạn nữa ghé vô một trong những quán cà phê nhỏ bé, thanh bình ngó mặt ra sông Hương. Tôi thích những ngôi quán nhỏ, ẩn trong hoa lá, ẩn chứa một tâm hồn Huế được giữ gìn kín đáo mà vẫn bộc lộ ra trong lối bài trí xưa. Tiếng nhạc Trịnh mở vừa đủ nghe ở đây, luôn thi vị và có sức cuốn hút rất riêng. Có lẽ vì ngoài kia có sông Hương đang dùng dằng không muốn trôi đi.

Cũng đôi khi cao hứng, theo các bạn trẻ, ​​​​​​​chúng tôi vượt qua Thiên Mụ sang Hương Hồ. Như vẫn còn đây, “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo”, An Bình thôn còn lưu lại Văn Miếu, chứng tỏ sự trân trọng trí tuệ của hiền nhân dưới triều Nguyễn. Bao nhiêu mây trắng đã bay qua trên nền cũ. Giá như thế hệ sau ai có thể đọc hết được những kí tự trên 32 tấm bia tiến sĩ, nơi bảo lưu nguyên khí núi sông. Nhưng thôi, may mà còn có cả bờ hoa nở thắm, mọi người dừng chân ngoạn cảnh, chụp ảnh, vui chơi dưới bến khiến mùa xuân chốn này không hoang vu mà an bình, đẹp tươi mãi.

TRIỀN THẢO