Khói thải từ một cơ sở sản xuất ở Canada. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Cụ thể, Đánh giá Năng lượng Toàn cầu năm 2021 của IEA dự báo, lượng khí thải CO2 sẽ tăng lên mức 33 tỷ tấn trong năm nay, cao hơn 1,5 tỷ tấn so với mức được ghi nhận trong năm 2020. Đáng chú ý, đây là mức tăng lớn nhất trong hơn một thập kỷ.
Giám đốc Điều hành IEA, ông Fatih Birol nhận định: “Đây là một cảnh báo nghiêm trọng rằng, sự phục hồi kinh tế từ cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện là bất cứ điều gì, ngoại trừ tính bền vững đối với khí hậu của chúng ta”.
Theo đó, sự gia tăng của lượng khí thải CO2 trong năm nay có thể sẽ được thúc đẩy bởi sự mở rộng trở lại của việc sử dụng than trong lĩnh vực điện, điều này sẽ đặc biệt mạnh mẽ ở khu vực châu Á.
Hồi năm ngoái, khi việc sử dụng điện giảm do đại dịch COVID-19, lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng đã giảm 5,8% xuống còn 31,5 tỷ tấn, sau khi đạt đỉnh vào năm 2019 là 33,4 tỷ tấn.
Được biết, đánh giá thường niên của IEA đã phân tích dữ liệu quốc gia mới nhất từ khắp nơi trên thế giới, những xu hướng tăng trưởng kinh tế, và các dự án năng lượng mới. Báo cáo cho thấy, nhu cầu năng lượng toàn cầu dự kiến sẽ tăng 4,6% vào năm 2021, với sự dẫn đầu của các nền kinh tế đang phát triển, thúc đẩy nhu cầu năng lượng lên cao hơn mức của năm 2019.
Nhu cầu đối với tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch đang trên đà tăng trong năm 2021, với cả than và khí đốt đều sẽ tăng lên trên mức của năm 2019.
Trong đó, mức tăng được dự báotrong việc sử dụng than thấp hơn gần 60% so với mức tăng của năng lượng tái tạo, mặc dù nhu cầu về năng lượng mặt trời, gió và thủy điện cũng đang tăng nhanh. Hơn 80% mức tăng trưởng được dự báo đối với nhu cầu than vào năm 2021 sẽ đến từ khu vực châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc.
Ngoài ra, việc sử dụng than ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tăng lên, nhưng sẽ vẫn ở mức dưới mức được ghi nhận trước khi cuộc khủng hoảng COVID-19 xảy ra.
Thanh Ngân (Lược dịch từ Reuters)