Cán bộ, chiến sĩ Kho Vũ khí, Phòng Kỹ thuật tiến hành bảo dưỡng vũ khí trang bị khí tài

Nhiều sáng kiến thiết thực

Năm qua, xảy ra nhiều sự kiện, tình huống liên quan đến thiên tai, dịch bệnh nên các đơn vị trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã điều động nhiều loại hình phương tiện, vũ khí trang bị khí tài (VKTBKT) để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất.

Dù VKTBKT đa dạng về chủng loại, do nhiều nước sản xuất; trong đó có loại đã trải qua các cuộc chiến tranh, có “tuổi đời” khá cao, nhưng nhờ được bảo quản, bảo dưỡng tốt nên vẫn đảm bảo được công dụng.

Với cường độ huấn luyện cao, thiên tai cùng các sự cố xảy ra nghiêm trọng nên yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, tần suất và nhu cầu sử dụng VKTBKT càng nhiều. Trước thực tế đó, Bộ CHQS tỉnh, ngành kỹ thuật đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là đẩy mạnh nghiên cứu sáng kiến cải tiến kỹ thuật (SKCTKT).

Theo đó, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cũng đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để phong trào SKCTKT thực sự lan tỏa, khích lệ sự sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ, cho ra đời những sáng kiến thực sự có hiệu quả.

Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, Phòng Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh đã nhận được 14 sáng kiến rất thiết thực cho công tác huấn luyện, diễn tập từ các cơ quan, đơn vị. Trong đó, phải kể đến sáng kiến: Dụng cụ giới hạn tầm, hướng của súng 12.7mm LX trong bắn đạn thật của Đại úy Võ Trọng Khoa, Chủ nhiệm Kho Vũ khí, Phòng Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh. Đây là một sáng kiến mang tính thực tế và đưa lại hiệu quả cao, bởi trong huấn luyện, diễn tập hay thử tỷ lệ nổ, cháy nếu có dụng cụ này khi sử dụng súng 12.7mm được đảm bảo an toàn, không bị sai lệch về tầm, hướng.

Trước đây, trong quá trình bắn diễn tập súng 12.7mm LX, các đơn vị phải khống chế tầm, hướng trong phạm vi cho phép. Để làm điều đó, các đơn vị phải cố định chôn cọc gỗ 2 bên nòng súng, dùng dây cố định thanh ngang để giới hạn tầm. Cách làm đó có rất nhiều nhược điểm, bất cập: tính cơ động thấp, mất nhiều thời gian chuẩn bị, mức độ an toàn không cao. Do đó, với sáng kiến dụng cụ giới hạn tầm, hướng của súng 12.7mm LX trong bắn đạn thật với kết cấu đơn giản, vật liệu có sẵn đã khắc phục được những tồn tại của phương pháp truyền thống; lại đảm bảo tính an toàn, dễ dàng khống chế tầm, hướng trong bắn đạn thật khi diễn tập.

Với sáng kiến mô hình phân chia trận địa pháo vào ban đêm của Trung úy Nguyễn Văn Công, Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội Phòng không 594 cũng đưa lại nhiều ưu thế cho huấn luyện. Việc áp dụng mô hình này sẽ giúp cho quá trình huấn luyện được tốt hơn, nâng cao chất lượng huấn luyện vào ban đêm cũng như trong các nhiệm vụ đột xuất. Đối với đơn vị pháo phòng không thì việc huấn luyện rất quan trọng, do đó, việc trận địa được phân chia sẽ giúp người học có cái nhìn trực quan, dễ hiểu, dễ hình dung, tăng khả năng tiếp thu và nâng cao trình độ thao tác pháo và nhận thức được tầm quan trọng của việc huấn luyện đêm.

Tăng hạn sử dụng 

Đại úy Võ Trọng Khoa, Chủ nhiệm Kho vũ khí, Phòng Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh cho biết: Ngay từ đầu năm, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, sắp xếp thời gian, lực lượng để củng cố, làm mới một số vật chất, bia bảng, mô hình học cụ… Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã đẩy mạnh nghiên cứu SKCTKT nhằm khắc phục khó khăn trong công tác huấn luyện. Đầu năm đến nay, đơn vị đã có 4 ý tưởng và tiến hành làm được 3 sáng kiến mang tính hiệu quả cao, được các cấp ghi nhận, đánh giá tốt.

Thời gian qua, ngành kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh vẫn luôn làm tốt công tác kỹ thuật. Điều đó được thể hiện qua việc đảm bảo kỹ thuật cho các công tác huấn luyện, diễn tập thường xuyên cho đến các tình huống đột xuất như phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3, phòng chống COVID-19...

Với nhiệm vụ bảo quản, sửa chữa, niêm cất và tăng hạn sử dụng VKTBKT Phòng Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh luôn duy trì và thực hiện theo nề nếp và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đồng thời, quán triệt các chỉ huy đơn vị duy trì nghiêm chế độ kiểm tra; bảo quản, bảo dưỡng VKTBKT đúng quy trình, quy định.

Hoạt động “Ngày kỹ thuật” được các đơn vị duy trì. Theo đó, cuối giờ làm việc vào ngày thứ sáu hàng tuần, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị thực hiện nhiệm vụ sắp xếp, bảo quản VKTBKT, cơ sở vật chất tại đơn vị. Công tác quản lý trang bị khí tài, nhất là tủ súng được quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ.

Trung tá Lê Viết Quý, Chủ nhiệm Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh cho biết: Ngành kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh không ngừng đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật quân sự vững mạnh về mọi mặt. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều phải tích cực học hỏi, rèn luyện tay nghề, học hỏi kinh nghiệm để đáp ứng nhiệm vụ quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự. Nhờ đó năng lực chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cán bộ, chiến sĩ không ngừng được nâng lên...

Bài, ảnh: Thanh Thảo