Sau hơn 3 năm được cấp đất, nhiều dự án ở xã Lộc Vĩnh vẫn không hề triển khai xây dựng (trong ảnh, dự án sân golf sau 3 năm được cấp đất vẫn là bãi đất trống) |
Cương quyết xử lý
Hiện, toàn tỉnh có 32 dự án chậm tiến độ, cấp phép đã lâu nhưng thi công ì ạch, đơn cử như dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp ven đầm Lập An Lăng Cô (cấp phép năm 2007); Cảng chuyên dụng Nhà máy xi măng Đồng Lâm (cấp phép năm 2010)… và 12 dự án chậm tiến độ đang thực hiện thủ tục để thu hồi; như dự án Khu nghỉ dưỡng ven biển Lăng Cô (cấp phép năm 2006); Khu du lịch sinh thái biển Lăng Cô (cấp phép 2007); Khu biệt thự du lịch sinh thái Lăng Cô (cấp phép 2007)…
|
Không riêng gì các dự án du lịch ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, hiện trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều dự án chậm triển khai. Đơn cử, như dự án Khách sạn Sông Đà - Thăng Long Uhotel ở đường Lý Thường Kiệt; công trình văn phòng, thương mại; khách sạn và căn hộ cao cấp tại đường Hà Nội - Lý Thường Kiệt và dự án siêu thị, cao ốc văn phòng cho thuê của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng VIWASEEN tại số 02 Nguyễn Tri Phương đã đầu tư với khối lượng đạt gần 80% tổng mức đầu tư nhưng hiện cũng triển khai chậm tiến độ. Theo quy định của Luật Đất đai, nếu thu hồi dự án, thu hồi đất tỉnh phải bồi thường tài sản cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, tỉnh không có ngân sách để bồi thường cho nhà đầu tư hoặc bồi thường nhưng lại không có nhu cầu sử dụng tài sản đã đầu tư, sẽ tạo ra sự lãng phí khác. Trường hợp này, thời gian qua UBND tỉnh cho phép các nhà đầu tư được tìm kiếm các đối tác có năng lực để hợp tác đầu tư hoặc chuyển nhượng dự án. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng giới thiệu một số đối tác có năng lực cho các nhà đầu tư để hợp tác đầu tư hoặc chuyển nhượng dự án. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng giới thiệu một số đối tác có năng lực cho các nhà đầu tư để hợp tác đầu tư hoặc chuyển nhượng dự án. Hiện nay, dự án khách sạn Sông Đà-Thăng Long Uhotel do Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long đầu tư nay đã chuyển nhượng cho doanh nghiệp Thanh Danh Ngọc Thiện tiếp tục triển khai.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 có hiệu lực từ ngày 1-7-2014, trường hợp dự án đầu tư chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì thời điểm để tính gia hạn sử dụng đất 24 tháng được tính từ tháng thứ 25 kể từ thời điểm phải kết thúc việc đầu tư xây dựng. Hết thời hạn được gia hạn, chủ đầu tư chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1629/QĐ-UBND ngày 07-8-2014 về thành lập tổ công tác kiểm tra tiến độ thực hiện và đề xuất hướng xử lý một số dự án trên địa bàn tỉnh chậm tiến độ; trong đó có các dự án Khách sạn Sông Đà-Thăng Long Uhotel, Công trình văn phòng, thương mại; Khách sạn và căn hộ cao cấp số 4 Hà Nội, Dự án siêu thị và cao ốc văn phòng cho thuê của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng VIWASEEN tại số 02 Nguyễn Tri Phương theo hướng cho phép gia hạn theo quy định của Luật đất đai 2013. Nếu dự án tiếp tục vi phạm tiến độ thì thu hồi dự án và không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.
Thông tin liên quan: << Mạnh tay với dự án chậm và treo – kì I: Những “con sâu làm rầu nồi canh” |
Tạo điều kiện thuận lợi
Ông Phan Thiên Định, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Nhằm tạo điều thuận lợi về vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay để đầu tư phát triển kinh doanh, với nguồn vốn trên 220 tỷ đồng. Hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang trình HĐND tỉnh về việc thành lập Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng. Theo đó, Quỹ này sẽ thực hiện bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với các dự án, phương án sản xuất kinh doanh tốt nhưng không đủ điều kiện để vay vốn trực tiếp tại các tổ chức tín dụng.
|
Nhằm giảm áp lực cho nhà đầu tư, tạo hướng mở đối với các vị trí đất vàng, hiện nay, UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nộp tiền thuê đất hàng năm hoặc 10 năm mới nộp tiền thuê đất 1 lần. Với giải pháp đó, sẽ tạo điều kiện ban đầu để nhà đầu tư tập trung kinh phí xây dựng hạ tầng, sản xuất; sau khi dự án đi vào hoạt động sẽ nộp tiền cho địa phương.
Lâu nay, các nhà đầu tư thường đầu tư một dự án thì con đường tìm vốn của họ gần như duy nhất là đến Ngân hàng thương mại. Tuy nhiên hầu như các nhà đầu tư đều “kêu” khó tiếp cận vốn ngân hàng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, các nhà đầu tư có vay được tiền của ngân hàng hay không đều phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả thẩm định của ngân hàng, về mức độ khả thi của dự án. Nợ xấu ở các ngân hàng thương mại ngày càng cao, nên ngân hàng rất cẩn trọng trong việc cho vay. Đơn cử, như Công ty cổ phần Trung Quý đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn 4. Nhiều lần công ty đến “gõ cửa” các ngân hàng để vay vốn nhưng không được chấp thuận, bởi nhiều lý do khác nhau. Nhằm tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận được vốn vay, gần đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tạo mọi điều kiện để Công ty cổ phần Trung Quý tiếp cận được với ngân hàng. Qua thẩm định dự án, ngân hàng VPBank Thừa Thiên Huế đã cho công ty vay hơn 200 tỷ đồng.
Giúp các doanh nghiệp tháo gỡ về vốn, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang khảo sát khoảng 100 doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh cần vốn tổ chức buổi tiếp xúc và trò chuyện với các ngân hàng. Qua đó, Sở kế hoạch và Đầu tư sẽ là đầu mối giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng. Thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục mở rộng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Minh Hằng