Lãnh đạo tỉnh thăm, tìm hiểu, quan tâm chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư, trong đó ngành dệt may là một trong những lĩnh vực sản xuất thu hút của Huế.
Quả ngọt
Đầu tháng 4, dây chuyền chế biến cát hiện đại của DA Nhà máy Hue Premium Silica thuộc Tập đoàn Việt Phương tại xã Phong Hiền, huyện Phong Điền đã hoàn thiện và bắt đầu chạy thử sau hơn 1 năm đầu tư trang bị công nghệ chế biến cát và xây dựng đội ngũ nhân sự.
Theo ông Nguyễn Anh Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty Hue Premium Silica thuộc Tập đoàn Việt Phương, trong tháng 4 này, toàn bộ dây chuyền sẽ đi vào vận hành. Nhà máy có tổng vốn đầu tư khoảng 850 tỷ đồng, với dây chuyền công nghệ chế biến cát hiện đại chuẩn EU. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ khai thác hiệu quả nguồn cát trắng làm nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp kính solar với công suất thiết kế trên 345.000 tấn/năm. Dự án vận hành sẽ góp phần giải quyết việc làm và đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương.
Những tháng đầu năm, nhiều dự án lớn khác cũng đồng loạt đi vào hoạt động, trong đó phải kể đến dự án nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam. Trước tình hình nhiều dự án, doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, cắt giảm nhân sự, nhà máy này đi vào hoạt động đã tiếp nhận một nguồn lao động tại chỗ lớn, góp phần ổn định đời sống người dân. Giai đoạn 1, tuyển khoảng 500 nhân công và khi giai đoạn 2 đưa vào vận hành sẽ cần thêm đến 2.500 lao động phổ thông vào làm việc.
Các dự án du lịch, nghỉ dưỡng cũng gấp rút hoàn thiện đưa vào vận hành trong năm, tạo sức hút mới cho Thừa Thiên Huế. Khu nghỉ dưỡng Kawara My An Onsen Resort của tập đoàn Bitexco đã hoàn thành hạ tầng thiết yếu và đang trong giai đoạn chỉnh trang cảnh quan để đưa vào hoạt động vào đầu tháng 5/2021.
Triển vọng tăng trưởng
Theo kế hoạch năm 2020, tỉnh phấn đấu thu hút 20 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn cam kết khoảng 10.000 tỷ đồng, tương đương 400 triệu đô la Mỹ. Thực tế, năm 2020, trên địa bàn thu hút được 32 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 10.963 tỷ đồng, bao gồm 6 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 427 tỷ đồng, 26 dự án trong nước với vốn đăng ký 10.536 tỷ đồng và 38 dự án điều chỉnh với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 2.986 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn thu hút trong năm nay đạt 14.000 tỷ đồng, vượt 140% kế hoạch đề ra.
Các dự án trọng điểm đi vào hoạt động góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp, tăng nguồn thu ngân sách tỉnh như: Xi măng Đồng Lâm, gạch Vitto, sản xuất đồ chơi Billion Max, vỏ lon nhôm, điện mặt trời Phong Điền, Tổ hợp trung tâm thương mại Vincom Hùng Vương, khách sạn Thuận Hóa…Một số dự án thuộc lĩnh vực dệt may, khai thác khoáng sản, các dự án đầu tư trong khu công nghiệp thực hiện đúng tiến độ tại giấy chứng nhận đầu tư được cấp mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo.
Riêng năm 2020, dù kinh tế ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 và thiên tai nhưng thu ngân sách Nhà nước vẫn đạt 8.455 tỷ đồng; giải quyết việc làm mới cho hơn 7.379 lao động. Giai đoạn 2016-2020, riêng khu vực FDI đóng góp khoảng 446,3 triệu USD vào ngân sách, tăng 35,3% so với giai đoạn 2011-2015.
Trong 2 năm qua, nhiều dự án lớn, trọng điểm trong lĩnh vực du lịch biển được cấp phép đầu tư nhưng chưa chính thức đi vào vận hành (hầu hết đang ở giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng). Những dự án này đều nằm ở những khu vực hoang hóa, ít dân cư. Đây chính là tiền đề phát triển kinh tế du lịch biển, thu hút lao động, nâng cao giá trị sử dụng đất trong thời gian tới. Các dự án sẽ thúc đẩy các ngành dịch vụ khác phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Ngoài ra, các dự án này đều được chủ đầu tư cam kết sẽ thuê các thương hiệu quản lý du lịch uy tín, từ đó, sẽ đưa các thương hiệu quốc tế về với Thừa Thiên Huế, nâng cao vị thế của ngành du lịch tỉnh trên bản đồ du lịch thế giới như một điều kiện để được cấp phép đầu tư.
Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư nhận định, công tác xúc tiến đầu tư là động lực, nền tảng phát triển quan trọng của địa phương về thu ngân sách, tạo công ăn việc làm, quảng bá môi trường đầu tư để tiếp tục thu hút đầu tư và quảng bá điểm đến về du lịch. Đây cũng là một trong những nguồn lực lớn để đẩy mạnh phát triển hạ tầng – kỹ thuật và thúc đẩy chất lượng dịch vụ. Nhiều DN trong số đó còn được đánh giá là động lực trong phát triển kinh tế, như Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam, Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam, Công ty Scavi Huế, Công ty TNHH Baosteel Can Making Huế Việt Nam, Công ty Hữu hạn Xi măng Luks, Công ty TNHH Laguna Việt Nam...
Bài, ảnh: Hoàng Loan
Bài 2: Nhà đầu tư được chăm sóc