Khói thải từ một nhà máy lọc dầu ở tiểu bang Texas, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến trong 2 ngày, bắt đầu vào ngày hôm nay (22/4), cũng là Ngày Trái đất. Hội nghị sẽ có sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, cùng các nhà lãnh đạo của những quốc gia khác. Theo Thông cáo từ Bộ Ngoại giao ngày 20/4, nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu tại hội nghị này.

Bên cạnh đó, tham dự hội nghị còn có các quan chức hàng đầu, các Giám đốc Điều hành, và những nhân vật toàn cầu như Giáo hoàng Francis và nhà từ thiện Bill Gates, họ dự kiến cũng ​​sẽ có bài phát biểu tại hội nghị.

Được biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ bắt đầu phiên khai mạc, và nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của các nền kinh tế lớn trên thế giới trong việc đưa ra những chính sách khí hậu cứng rắn hơn, để đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Theo Nhà Trắng, phiên họp vào buổi sáng ngày hôm nay sẽ tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo nêu bật những thách thức liên quan đến khí hậu mà quốc gia của họ phải đối mặt, cũng như những nỗ lực mà họ đang thực hiện, đồng thời sẽ công bố các bước mới nhằm tăng cường tham vọng về khí hậu.

Mỹ có khả năng sẽ đưa ra mục tiêu được cập nhật về khí hậu, dự kiến ​​sẽ là cam kết cắt giảm lượng khí thải của Mỹ khoảng 50% so với năm 2005, từ nay cho đến năm 2030. Các tuyên bố được dự kiến ​​khác bao gồm mục tiêu khí hậu mới của Nhật Bản và Canada, cũng như các kế hoạch mới từ Hàn Quốc, khu vực châu Âu, và Australia.

Ngoài ra, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sẽ bao gồm một phiên thảo luận về tài chính khí hậu, cũng như các phiên họp trong suốt 2 ngày diễn ra hội nghị, trong đó sẽ tập trung vào đổi mới, việc làm, các giải pháp dựa trên thiên nhiên và an ninh.

Trong ngày 22/4, phiên họp về tài chính khí hậu sẽ nêu bật nhu cầu cấp thiết về việc tăng cường quy mô tài chính cho các hành động nhằm giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu, những nỗ lực tăng cường tài chính công cho các quốc gia đang phát triển, và chuyển hàng nghìn tỷ USD đầu tư tư nhân để tài trợ cho quá trình chuyển đổi toàn cầu sang không phát thải ròng đến năm 2050, Nhà Trắng cho biết thêm.

Trong ngày mai (23/4), Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ nêu bật "vai trò quan trọng của đổi mới công nghệ trong việc đạt được một nền kinh tế không phát thải ròng, thích ứng với khí hậu", cũng như "các cơ hội kinh tế khổng lồ trong xây dựng những ngành công nghiệp của tương lai". Được biết, Chính quyền của ông Joe Biden đang đặt cược vào các công nghệ năng lượng sạch đang nổi lên như một yếu tố tạo ra việc làm.

Bên cạnh đó, cơ hội kinh tế của hành động khí hậu cũng sẽ được thảo luận, đặc biệt là vấn đề tạo việc làm, tập trung vào việc đảm bảo tất cả cộng đồng và người lao động đều được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

Lê Thảo (Lược dịch từ Straits Times)