Thu gom rác thải và vệ sinh môi trường khu vực nông thôn ngày càng được chú trọng và đạt hiệu quả cao

Chủ đề này nhằm kêu gọi, tuyên truyền nâng cao hiểu biết, trách nhiệm, sự tham gia, cam kết của gia đình, cộng đồng, ban ngành đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và chính quyền địa phương về tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ cấp nước sạch nông thôn, ý thức sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh hộ gia đình để bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Năm nay, Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường được tổ chức phát động và hưởng ứng từ ngày 29/4 đến ngày 30/6, lồng ghép hưởng ứng các sự kiện, ngày lễ lớn về môi trường như Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn.

Được Chính phủ phát động hàng năm kể từ năm 1998, sự kiện này đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về cấp nước và vệ sinh môi trường, góp phần làm thay đổi chất lượng và điều kiện sống của người dân nông thôn.

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương được đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt kết quả vượt trội so với các tỉnh trên toàn quốc.

Đến cuối năm 2020, tỷ lệ dân số nông thôn toàn tỉnh sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 88%, nước hợp vệ sinh đạt 100%. Trong khi, mục tiêu toàn quốc là 55% năm 2020, như vậy Thừa Thiên Huế vượt 33%. Ngoài ra, tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước sạch đạt 79%. Tỷ lệ các công trình cấp nước tập trung hoạt động hiệu quả, bền vững theo các cấp độ: bền vững 46%; tương đối bền vững 26%; kém bền vững 22%; không hoạt động 6%.

Tuy tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt cao và 100% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh, song vẫn còn một số xã vùng sâu, vùng xa xảy ra tình trạng thiếu nước và dùng nước kém chất lượng tại một số thời điểm. Nguyên nhân là do tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và ô nhiễm nguồn nước khiến nguồn nước sạch, đảm bảo chất lượng ngày càng khan hiếm, nhất là ở các khu vực lấy nước từ sông suối, giếng đào truyền thống. Điều này đòi hỏi nguồn đầu tư từ các cấp, từ nguồn vốn vay để đầu tư phủ sóng các công trình nước sạch cung cấp cho người dân sinh hoạt đảm bảo. Việc mỗi người dân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước cũng góp phần chia sẻ cơ hội tiếp cận nước sạch đến với mọi người.

Ngoài nước sạch, thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã làm tốt và đạt tiêu chí này. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 62 xã/97 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đạt tỷ lệ 63,9%. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom khu vực nông thôn đạt trên 65%.

Hầu hết các huyện đều thực hiện đề án thu gom và xử lý rác thải cơ bản đạt kết quả. Những huyện vùng đồng bằng như Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền ngoài thu gom rác còn đảm bảo khâu vận chuyển xử lý. Huyện miền núi A Lưới và một số xã vùng xa của huyện Nam Đông kết hợp các phong trào về môi trường trong xây dựng nông thôn mới như: chỉnh trang đường làng ngõ xóm, đào hố chôn lấp rác ở vườn nhà, trồng cây xanh, hàng rào xanh, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, nhà ở...

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN