Đoàn viên, thanh niên TTXVN trồng cây hưởng ứng "Tết trồng cây" năm 2021 và chương trình trồng 1 tỷ cây xanh
Tại hội nghị Triển khai Nghị định số 27/2021/NĐ-CP (Nghị định số 27), Quyết định số 523/QĐ-TTg và Quyết định 524/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 23/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh phải xã hội hóa nguồn lực bao gồm cả nhân lực, vật lực để Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025" trở thành ý thức tự nguyện của người dân và cộng đồng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, triển khai Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược) và Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025" (Đề án), nếu cộng đồng nhận thức đầy đủ thì sẽ triển khai nhanh gọn và hiệu quả. Phải chứng minh với thế giới rằng Việt Nam có nền nông nghiệp trách nhiệm và lâm nghiệp có trách nhiệm không chỉ đeo đuổi mục đích về kinh tế mà còn cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường, qua đó hòa nhập vào tư duy phát triển của thế giới.
"Triển khai Chiến lược và Đề án, các đơn vị chức năng phải có tư duy mới, những ý tưởng và sáng kiến mới sẽ tạo ra được sự đột phá trong tăng trưởng. Nếu kế hoạch, chiến lược có tốt đến đâu mà không tập trung quan tâm, bổ sung vào đó những giá trị sáng tạo thì cũng không hiệu quả trong triển khai", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra.
Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đã quán triệt và cụ thể hóa các quan điểm và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đối với ngành lâm nghiệp. Theo đó, Chiến lược đã đưa ra các mục tiêu, định hướng phát triển, giải pháp nhằm: phát triển lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường.
Mục tiêu của Chiến lược là đưa lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản để nâng cao giá trị rừng; quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước; nâng cao chất lượng rừng trồng....
Để thực hiện định hướng của Chiến lược về phát triển, liên kết theo chuỗi; trong đó, chú trọng, tập trung ưu tiên công tác giống cây trồng lâm nghiệp chất lượng cao, ngày 25/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2021/NĐ-CP về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. Đây là chính sách quan trọng về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, bảo đảm sự đồng bộ, phù hợp với hệ thống quy phạm pháp luật và yêu cầu của thực tiễn, nhằm quản lý chặt chẽ việc nghiên cứu, bảo tồn, sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp, tạo ra giống mới có năng suất, chất lượng cao cung cấp cho trồng rừng. Đồng thời quản lý giống cây trồng lâm nghiệp theo chuỗi sản xuất, từ hoạt động nghiên cứu, chọn tạo, quản lý vật liệu nhân giống, đến sản xuất cây giống và chất lượng rừng trồng.
Cùng với đó, ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, nhằm mục đích vừa cung cấp gỗ và nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, vừa phòng hộ, bảo vệ môi trường, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Đề án sẽ tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế cùng chung tay, góp sức, đồng lòng thực hiện với thông điệp "Vì một Việt Nam xanh"; góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược.
Để thực hiện Chiến lược; Nghị định số 27 và Đề án được đồng bộ, kịp thời, thống nhất, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch triển khai Nghị định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp; xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược, Đề án.
Tại hội nghị ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, đề xuất, Nhà nước cần có những cơ chế và chính sách chuyên biệt đối với giống cây lâm nghiệp bởi giống trong lĩnh vực lâm nghiệp mất nhiều thời gian sản xuất hơn so với sản xuất giống thông thường trong nông nghiệp. Giống lâm nghiệp không phải 1 năm, 2 năm, 3 năm, thậm chí 10 năm chúng ta có giống mà có những loại giống chúng ta phải 50 năm, 100 năm mới lựa chọn được. Theo đó, các chính sách cần tiếp tục nghiên cứu về: đất đai, tài chính và nguồn lực và giải quyết vấn đề công nghệ kết nối của giống lâm nghiệp.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cũng cho rằng phải ưu tiên một cách có trọng điểm cho khâu giống lâm nghiệp. Chúng ta hoàn toàn có thể nhập khẩu công nghệ hiện đại từ nước ngoài để phục vụ sản xuất nhưng phải làm chủ trong lĩnh vực giống lâm nghiệp. Bài học thất bại của cây phong lá đỏ trên đường phố Hà Nội vẫn còn đó, cây nhập về không phù hợp, kết quả là cây chết khô.
Triển khai trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, ông Trần Quang Bảo - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các địa phương, đơn vị cần tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn để triển khai trồng và bảo vệ cây xanh; trong đó kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế triển khai hiệu quả các dự án ODA đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ...
UBND các tỉnh, thành phố cần rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đất mới trồng rừng sản xuất, đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị; bố trí, lồng ghép ngân sách, nguồn lực từ các chương trình, dự án; chủ động chuẩn bị cây giống có chất lượng để triển khai đề án trồng 1 tỷ cây xanh hiệu quả, chất lượng, ông Trần Quang Bảo nhấn mạnh.
Theo TTXVN