Cử tri cả nước đang hướng về “ngày hội bầu cử toàn dân”, bầu ĐBQH khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đến nay, từ Trung ương đến các địa phương đã hoàn thành Hội nghị hiệp thương lần 3 - Lập danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và luôn có nguy cơ bùng phát trong cộng đồng tại Việt Nam, công tác y tế đang được chuẩn bị sẵn sàng để khi cử tri tập trung tới các điểm bỏ phiếu vẫn đảm bảo được phòng, chống dịch và tiến hành bỏ phiếu an toàn.

Đến thời điểm này, hệ thống y tế trên cả nước đã có những chuẩn bị sẵn sàng cho “ngày hội bầu cử” theo hướng dẫn chung của Bộ Y tế. Trong đó, Sở Y tế các địa phương cũng có văn bản hướng dẫn chuyên về y tế trong phục vụ bầu cử, đồng thời đảm đảm bảo các hoạt động khám, chữa bệnh cấp cứu và thông thường khác.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, theo chỉ đạo của Sở Y tế TP Hà Nội và UBND quận, Trung tâm Y tế quận đã tập trung chuẩn bị trang thiết bị y tế và nhân lực, có sự phân công rõ ràng. Trung tâm Y tế quận phối hợp với UBND các phường về các tình huống có thể xảy ra để chuẩn bị những biện pháp ứng phó, chuẩn bị về cơ sở vật chất và nhân lực…

“Nam Từ Liêm đã xây dựng kế hoạch và chuẩn bị về y tế để đảm bảo cho bầu cử. Cụ thể về công tác y tế, chúng tôi đã tiến hành giám sát chất lượng nguồn nước, kiểm tra an toàn thực phẩm, đồng thời tập huấn cho mạng lưới cán bộ y tế được phân công trực tại các điểm bỏ phiếu. Theo đó, các cán bộ đặc biệt được tập huấn để ứng phó tình huống dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Kịch bản được xây dựng cụ thể theo các tình huống trong thời gian diễn ra bầu cử: Không có ca bệnh trong cộng đồng, có ca bệnh trong cộng đồng và thực hiện cách ly. Tất cả đều có biện pháp ứng phó phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế”, bà Trang nêu cụ thể.

Với phương châm “4 tại chỗ” thực hiện xuyên suốt trong hơn một năm ứng phó với 3 đợt bùng phát dịch COVID-19, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận những thành công trong cuộc chiến chống dịch. Bộ tế khẳng định, tiếp tục có các phương án hỗ trợ phù hợp nhằm nâng cao năng lực y tế của địa phương đáp ứng phương châm “4 tại chỗ”. Trong đó, vai trò đi đầu của y tế cơ sở trong nỗ lực phòng, chống dịch từ phát hiện, truy vết, khoanh vùng… ngay từ đầu. Đặc biệt, để phục vụ cho cuộc bầu ĐBQH khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các trạm y tế cơ sở đến nay đã cơ bản hoàn tất chuẩn bị và sẵn sàng để “ngày hội bầu cử” diễn ra an toàn.

Tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, BS Nguyễn Ánh Kim, Trạm trưởng Y tế thị trấn Lâm Thao cho biết, về công tác chuẩn bị y tế phục vụ bầu cử, địa phương chỉ còn một cuộc họp lần 2 với các cán bộ y tế và họp y tế thôn để phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Đây cũng sẽ là một lần tập huấn lại cơ bản công tác phục vụ tại các điểm bầu cử, đồng thời làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19 hiện nay.

“Tại trạm y tế, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch để đảm bảo tốt công tác y tế phục vụ cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó, chúng tôi đã thành lập một tổ cấp cứu, khám chữa bệnh tại trạm và một tổ lưu động đến các điểm khu dân cư. Mỗi tổ sẽ phụ trách 9 địa bàn và sẽ phân công là mỗi một địa bàn một cán bộ cộng tác viên y tế sẽ túc trực tại từng điểm bầu cử, để tiếp đón cán bộ phục vụ, tham gia bầu cử, cũng như công dân đến bỏ phiếu. Trước tiên, là bàn hướng dẫn đeo khẩu trang, cũng như cung cấp dung dịch sát khuẩn tay... làm việc trong suốt thời gian diễn ra bầu cử”, BS Kim nêu cụ thể.

Bên cạnh việc đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, tuyến y tế cơ sở cũng chuẩn bị sẵn sàng bị thuốc cấp cứu, cùng các trang thiết bị y tế cần thiết để không chỉ phục vụ tổ chức bầu cử an toàn, điều trị cấp cứu tại các điểm bầu cử, mà còn tiến hành tiếp nhận điều trị người dân đến khám chữa bệnh tại trạm y tế trong trường hợp xảy ra tai nạn thương tích hay các trường hợp cấp cứu khác.

Theo BS Kim, Trung tâm y tế huyện Lâm Thao đã có kế hoạch làm việc với toàn bộ các trạm y tế trong địa bàn huyện, đồng thời tham mưu để UBND thị trấn xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt, là rà soát các trường hợp nhập cảnh trên địa bàn: “Chúng tôi cũng thực hiện công tác tuyên truyền cho toàn thể nhân dân trước, trong và sau khi diễn ra bầu cử về phòng, chống dịch bệnh cũng như an toàn thực phẩm. Đặc biệt là phối hợp với các khu dân cư để rà soát, nắm bắt những trường hợp đi từ vùng dịch về. Trong đó, chủ yếu là các đối tượng đi từ nước ngoài, nhất là những đối tượng nhập cảnh trái phép phải phát hiện sớm để có các biện pháp cách ly và hướng dẫn người dân thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả”.

Theo hướng dẫn chung của Bộ Y tế, hệ thống y tế cơ sở đã xây dựng các tình huống, trong đó, với tình huống xuất hiện ca bệnh thì phải ứng phó như thế nào, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các điểm bầu cử ra sao... Với các đối tượng phải cách ly, các đối tượng nghi ngờ, cũng phải có kịch bản phân công cán bộ đến tận gia đình cũng như đến tận nơi khu vực cách ly để hướng dẫn công dân bỏ phiếu và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trước trong và sau diễn ra bầu cử.

Theo VOV.VN