Sinh viên khoa Môi trường, Trường đại học Khoa học dọn dẹp, thu gom rác thải tại bờ biển

Hình ảnh chưa đẹp  

Bãi biển Thuận An từng được vua Thiệu Trị xem là danh thắng thứ 10 trong 20 cảnh đẹp của đất Thần kinh, nổi tiếng với vẻ đẹp yên bình, mộc mạc và là nơi thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh mỗi dịp hè về. Tuy nhiên, việc rất nhiều người thiếu ý thức, xả rác tràn lan trên bãi biển khiến biển Thuận An mất đi vẻ đẹp vốn có.

Phan Thị Ngọc Ánh, sinh viên Trường đại học Khoa học, Đại học Huế chia sẻ: “Em thường hay về biển Thuận An chơi. Bãi biển đẹp nên em thường hay đi dạo dọc bờ biển. Tuy nhiên, không ít lần em đã dẫm phải những vỏ cua, nắp chai… của khách du lịch xả lại trên bờ biển”.

Không ít vị khách du lịch cũng đã ái ngại khi thấy những bao nylon, vỏ bánh lọc, vỏ trái cây… tràn lan trên bờ biển hoặc bị sóng biển đánh vào. Anh Nguyễn Đoàn, khách du lịch cho biết, lắm lúc đang bơi trên biển lại thấy những bao nylon chứa rác trôi ngang người khiến anh cảm giác không thoải mái. Biển Thuận An cũng đã có những thùng rác để người dân và khách du lịch sử dụng. Tuy nhiên phần do ý thức người dân chưa tốt, phần vì công tác thu gom rác thải tại các thùng rác công cộng chưa hiệu quả, tình trạng thùng rác đầy, ứ thường xảy ra nên dẫn đến việc rác thải được vùi lấp dưới cát, gây nên tình trạng ô nhiễm bờ biển.

Không chỉ ở bãi biển Thuận An, những bãi biển khác trên địa bàn tỉnh cũng đang có tình trạng ô nhiễm.

Theo TS. Đường Văn Hiếu, Trưởng khoa Môi trường, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế, bãi biển Hải Dương (xã Hải Dương, thị xã Hương Trà) lâu nay vẫn được xem là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường bờ biển tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tình trạng xả rác thải xuống biển Hải Dương đã diễn ra nhiều năm nay. Người dân và du khách thường đưa rác đủ các loại, từ bao bì đựng thực phẩm, thức ăn thừa ôi thiu vứt ngổn ngang khiến khu vực này như bãi tập kết rác. Việc không có thùng rác cũng như biện pháp xử lý rác phù hợp là nguyên nhân chính khiến rác thải xuất hiện ngày càng nhiều. Khoa Môi trường, Trường đại học Khoa học cũng đã không ít lần hưởng ứng ngày chủ nhật xanh, triển khai thu gom rác thải và tuyên truyền cho người dân về bảo vệ môi trường bờ biển, nhưng cho đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả.

Bảo vệ môi trường biển

Tháng 12/2020, huyện Phú Vang đã triển khai dự án “Nâng cao năng lực cộng đồng trong quản lý rác thải nhựa gắn với phát triển du lịch biển, đầm phá”. Huyện cũng đã tổ chức tuyên truyền nhằm vận động người dân hạn chế tiến đến không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Trên cơ đó, tổ chức nhiều phong trào, hoạt động vì môi trường như các buổi sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động văn nghệ nhằm lan toả thông điệp sử dụng túi đựng thân thiện với môi trường như túi giấy, túi nhựa tái chế thay thế túi nylon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần đến người dân và du khách.

Ngoài ra, Huyện đoàn đã phối hợp với Đoàn Thanh niên thị trấn Thuận An, triển khai mô hình “Ngôi nhà xanh trên biển” cho hội nghề cá thị trấn.

Anh Lê Văn Phong, Bí thư Xã đoàn Phú Thuận, huyện Phú Vang cho hay, mô hình nhằm huy động người dân và các đội tàu đánh bắt xa bờ thu gom rác thải nhựa, chai nhựa, vỏ lon, bao bì nylon… trên biển, vừa gây quỹ giúp các em học sinh nghèo vừa làm sạch môi trường biển. Ngoài ra, Huyện đoàn cũng tổ chức những đợt ra quân hưởng ứng ngày chủ nhật xanh, thu gom rác thải tại bãi biển Thuận An, góp phần bảo vệ môi trường bờ biển.

Các bãi biển ở Thừa Thiên Huế có rất nhiều thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế: du lịch, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản,… Do vậy, việc bảo vệ môi trường biển là cần thiết để hướng đến phát triển bền vững và lâu dài.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH