Hàng rong bủa vây ở trước một cổng trường tiểu học trên địa bàn TP. Huế

Hàng rong bao vây cổng trường

Tại Trường THCS Chu Văn An trên đường Hà Huy Tập, TP. Huế vào giờ tan tầm, rất nhiều chiếc xe lưu động chở hàng ăn và đồ chơi đứng trước cổng. Khi tiếng trống báo hiệu kết thúc buổi học, nhiều học sinh ùa ra đứng vây quanh những xe hàng. Cạnh đó, người bán những món hàng ẩm thực tay thoăn thoắt liên tục để kịp bán cho các em học sinh.

“Con thích ăn mấy loại đồ chiên và nướng bởi nhìn vừa đẹp vừa ngon miệng”, một nữ học sinh nói khi đang chờ mua một xâu cá viên chiên. Em học sinh này còn cho biết, thường xuyên ăn như thế trong lúc chờ người nhà đến đón và số tiền mua thức ăn đó cũng được phụ huynh cho.

Có học sinh còn được phụ huynh mua cho, vừa ngồi trên xe máy trên đường trở về nhà, vừa ăn một cách hào hứng. Khi hỏi về nguồn gốc của các món ăn đó, nhiều em học sinh trả lời hồn nhiên: “Con thấy mấy bạn mua ăn, thì con cũng mua, miễn ngon là được”.

Nhiều trường khác cũng tương tự. Không chỉ hàng ăn, thức uống, một số xe hàng bán các đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ. Việc này không chỉ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn liên quan đến hành vi lối sống của học sinh, gây mất cảnh quan cho trường học, đường phố.

Trường tiểu học Phú Hoà, nằm trên đường Trần Hưng Đạo vào giờ tan trường, trong lúc chờ phụ huynh đón, nhiều em nhỏ tụ tập ở các quán hàng rong. Nhiều em tỏ ra thích thú với những món ăn, đồ chơi được bày bán khá bắt mắt. Tuy nhiên, trong số đó có nhiều món đồ chơi không có dán thông tin cũng như xuất xứ cụ thể.

Theo quan sát, bên cạnh nhiều phụ huynh “chiều” con em mình, thì ngược lại có rất nhiều phụ huynh cương quyết nói không với hàng rong, đồ chơi bày bán trước cổng trường vì lo ngại ảnh hưởng đến sức khoẻ. “Thi thoảng vì chiều con tôi mới mua cho cháu một vài món, nhưng kiểm tra rất kỹ. Ngoài ra, nếu con thích thì tôi thường tìm đến siêu thị, các địa chỉ kinh doanh đồ chơi có uy tín để tìm mua”, chị Ngô Sương, một phụ huynh có con học mầm non trên địa bàn TP. Huế chia sẻ.

Bên trong siết chặt, bên ngoài khó quản lý

Đại diện nhiều trường cho biết, vấn đề sức khoẻ của học sinh được quan tâm đặc biệt. Nhà trường thường xuyên tuyên truyền phổ biến, dặn dò các em không được mua các hàng ăn, đồ chơi độc hại, không rõ nguồn gốc. Để đảm bảo được điều đó, các trường cũng chú trọng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ngay trong bếp ăn, cũng như căng tin của nhà trường. Các trường học cũng lưu ý phụ huynh trong việc kiểm soát số tiền cho con em mình, để tránh tình trạng các em lạm dụng mua hàng bên ngoài.

Cô Lê Thị Hồng Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, TP. Huế nói rằng, nhà trường rất quan tâm việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng ở phạm vi bên trong khuôn viên nhà trường, còn một khi ra khỏi cổng trường thì đó là một câu chuyện khác, vô cùng nan giải.

Ở bên trong nhà trường, có hệ thống căng tin, vì thế các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra. Các mặt hàng bán ở đó có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phải có đăng ký y tế và lấy mẫu hàng ngày. Ngoài ra, khuyến cáo không dùng đồ xốp, hộp nhựa.

Đối với hàng rong bên ngoài cổng trường, theo cô Giang rất khó quản lý bởi không thuộc phạm vi. Nhiều lần đại diện nhà trường đã nhắc nhở những người bán hàng rong, nhưng rồi đâu cũng lại vào đó. Có trường hợp sau khi nhắc nhở còn bị người bán hàng rong đe doạ.

“Do vậy, nhà trường cũng có kế hoạch riêng trong công tác bảo vệ sức khoẻ của các em. Trong các buổi chào cờ, sinh hoạt của nhà trường thường xuyên nhắc nhở các em phải tự bảo vệ bản thân bằng cách không mua thức ăn, đồ uống, đồ chơi… không rõ nguồn gốc, xuất xứ”, cô Giang nói.

Bài, ảnh: NHẬT MINH