Tham dự lễ khai mạc Tuần lễ CĐS sáng 27/4 có các ông: Lê Trường Lưu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp CNTT.

Trong khuôn khổ chương trình, sáng cùng ngày đã diễn ra lễ khai mạc Khu trải nghiệm, trưng bày giải pháp CĐS với hơn 40 gian hàng giới thiệu, trưng bày, trình diễn các giải pháp, ý tưởng, sản phẩm công nghệ đổi mới sáng tạo đến từ các các tổ chức, DN trên địa bàn tỉnh và Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh.

Dịp này, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel khai trương mạng 5G tại Thừa Thiên Huế, chính thức cung cấp 5G trên các thiết bị iPhone.

Tham quan khu trưng bày giải pháp Chuyển đổi số của Viettel

Điểm đến của sự kiện công nghệ và hình mẫu chuyển đổi số

Là một trong những địa phương sớm ban hành Chương trình CĐS và triển khai mạnh mẽ, Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Chương trình CĐS tỉnh đến 2025, định hướng đến 2030, xác định tầm nhìn đến 2030 tỉnh sẽ hoàn thiện mô hình Chính quyền số, xã hội số. Đô thị thông minh trở thành mô hình phổ biến trong điều hành, vận hành hệ thống quản lý nhà nước và xã hội; kinh tế số trở thành phương thức cốt lõi nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH.

Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho rằng, CĐS đang mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức. Thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã chú trọng đẩy mạnh CĐS, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuần lễ CĐS Huế - 2021 là sự đổi mới sáng tạo trong thực hiện Chương trình CĐS Quốc gia, thúc đẩy CĐS tại Việt Nam, tại Thừa Thiên Huế.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đề xuất Thừa Thiên Huế coi mình là quốc gia thu nhỏ để vận dụng và triển khai, đặt ra mục tiêu chiến lược phù hợp với cách làm và thực tế địa phương. Tỉnh cần lựa chọn một số mục tiêu đột phá để thực hiện trong năm 2021: hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS; đưa 100% dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát triển hồ sơ lên 50% và xử lý hồ sơ hoàn toàn trực tuyến lên trên 50%.

Đề xuất đến 2025, đưa Thừa Thiên Huế thành điểm đến của những sự kiện công nghệ lớn của quốc gia và thế giới, hướng tới mục tiêu vừa phát triển du lịch, vừa phát triển công nghệ số, trở thành hình mẫu CĐS của các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định: “Trên chương trình đầy ý nghĩa này, Bộ TT&TT cam kết đồng hành cùng tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Giới thiệu các ứng dụng, giải pháp chuyển đổi số tại khu trải nghiệm

Biến những thách thức chuyển đổi số thành cơ hội cho ngành du lịch

Tại Diễn đàn “Chuyển đổi số trong ngành du lịch” chiều 27/4, các đại biểu, DN cho rằng CĐS trong ngành du lịch là “hoạt động ý nghĩa và cần thiết, nhất là trong bối cảnh vừa phòng chống dịch vừa phục hồi hoạt động du lịch như hiện nay”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Thanh Bình thông tin, từ tháng 3/2020 đến nay, dịch COVID-19 đã làm tê liệt ngành du lịch và các ngành dịch vụ liên quan, gây thiệt hại nặng nề cho các DN và điểm đến… Thừa Thiên Huế cũng không ngoại lệ. Đây cũng là thời gian để ngành du lịch cơ cấu lại, biến thách thức, khó khăn thành cơ hội; đồng thời tìm ra những giải pháp để khai thác, thúc đẩy phát triển du lịch mà trong đó, CĐS là một hướng đi và nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Trên thực tế, CĐS trong ngành du lịch Huế đã có những chuyển biến từ khá sớm, với những mô hình thực tế ảo, thuyết minh tự động tại các điểm di tích, số hóa di sản, vé điện tử, thẻ du lịch thông minh… Dù đã đạt được một số thành tựu và xác định nhất quán sự quan trọng của nhiệm vụ CĐS trong xu hướng phát triển của ngành du lịch tỉnh nhà, tuy nhiên, có thể khẳng định hiện vẫn còn đó những khó khăn và hạn chế. Nhất là những thách thức liên quan đến tư duy, nhận thức, hạ tầng công nghệ, trình độ nhân lực…

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch nhận định, không riêng gì Huế, CĐS là cơ hội, nhưng đó là thách thức của tất cả các điểm đến. Quá trình CĐS đòi hỏi sự quyết liệt của các cấp, cùng ý thức, trách nhiệm cũng như sự cố gắng, nỗ lực từ phía DN, tổ chức và chính quyền các địa phương. CĐS không chỉ về mặt công nghệ, mà còn là chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá... Điều này đòi hỏi sự đổi mới trong cả tư duy lẫn hành động của toàn ngành du lịch, từ cơ quan quản lý đến các DN.

Lãnh đạo tỉnh kỳ vọng, nhiệm vụ được chỉ ra đã rất rõ ràng, chính vì thế, trong thời gian tới, việc thúc đẩy CĐS cần tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng như đầu tư đảm bảo hệ thống hạ tầng, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số, phát triển các ứng dụng kết nối liên thông hệ thống thông tin quản lý từ Trung ương đến cơ sở; phát triển các ứng dụng thông minh; hỗ trợ các DN khởi nghiệp sáng tạo; tập huấn đội ngũ nhân lực tại các DN trong ứng dụng công nghệ số…

Tuần lễ CĐS Huế- 2021 còn có các phiên hội thảo, chuyên đề tập trung vào một số lĩnh vực tỉnh ưu tiên CĐS, với các chủ đề: “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế”, “Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế và giáo dục”, “Chuyển đổi số trong thương mại, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao”.

Bên cạnh đó, tại phiên bàn tròn “Hợp tác, phát triển kinh tế vùng từ chuyển đổi số” diễn ra vào ngày 29/4, Thừa Thiên Huế sẽ giới thiệu, chia sẻ về chương trình CĐS của tỉnh và cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp CNTT tại TP. Hồ Chí Minh cũng như nhiều địa phương khác.

L.Minh – Đ.Quang