Ảnh minh họa: Reuters
Thỏa thuận hợp tác và thương mại quan trọng giữa Anh và Liên minh châu Âu đã được thông qua với 660 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 32 phiếu trắng.
Như vậy, văn kiện được hoàn tất vào đêm Giáng sinh đã vượt qua rào cản pháp lý cuối cùng để chính thức có hiệu lực, gần 5 năm sau khi Anh quyết định rút khỏi Liên minh châu Âu. Thỏa thuận cho phép hai bên tiếp tục duy trì mối quan hệ thương mại không hạn ngạch và không thuế quan.
Phát biểu ngay sau khi kết quả được công bố, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh, cuộc bỏ phiếu đánh dấu bước cuối cùng trong một hành trình dài nhằm mang lại sự ổn định cho mối quan hệ mới của Anh với Liên minh châu Âu với tư cách là những đối tác thương mại, đồng minh thân thiết và bình đẳng chủ quyền.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel gọi đây là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới, trong khi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận.
“Thỏa thuận hợp tác và thương mại giữa Liên minh châu Âu và Anh đi kèm với cơ chế giải quyết tranh chấp ràng buộc và khả năng áp dụng các biện pháp đơn phương, khắc phục hậu quả khi cần thiết. Và tôi xin nói rõ: Chúng tôi không muốn phải sử dụng những công cụ này nhưng chúng tôi sẽ không ngần ngại sử dụng chúng nếu cần thiết”, bà Ursula von der Leyen cho hay.
Mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Anh đã trở nên căng thẳng kể từ khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc hồi đầu năm nay. Hai bên liên tục tranh cãi về nhiều vấn đề từ vi phạm giao thức Bắc Ireland, nguồn cung cấp vaccine Covid-19 cho đến sự công nhận ngoại giao đầy đủ của Liên minh châu Âu ở Anh.
Anh gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 1973 và nước này đã quyết định rút khỏi khối sau cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 6/2016. Trong cuộc tranh luận trước bỏ phiếu phê chuẩn, nhiều nhà lập pháp châu Âu đã chỉ trích việc Anh rời đi, nhưng khẳng định việc phê duyệt là lựa chọn tốt nhất để tránh gián đoạn kinh tế và đảm bảo tính toàn vẹn của thị trường chung.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Anh và Liên minh châu Âu về những quy tắc thương mại của Bắc Ireland, Nghị viện Liên minh châu Âu cũng khẳng định, thỏa thuận này sẽ cung cấp thêm các công cụ pháp lý để ngăn chặn và giải quyết những bất đồng nảy sinh liên quan đến nghĩa vụ mà cả hai bên đã ký kết.
Cuối năm ngoái, Liên minh châu Âu đã khởi động tiến trình pháp lý chống lại thành viên cũ sau khi Anh đơn phương quyết định trì hoãn việc thực thi một số điều khoản trong thỏa thuận chia tay liên quan tới Bắc Ireland. Căng thẳng tiếp tục leo thang vào tháng 1 khi Liên minh châu Âu cảnh báo sẽ cấm vận chuyển vaccine ngừa Covid-19 tới Bắc Ireland nhằm tăng cường nguồn cung của khối. Một quyết định như thế nếu được thực hiện sẽ tạo ra một biên giới cứng trên đảo Ireland, một kịch bản mà cả Anh và Liên minh châu Âu đều cố tránh khi đặt bút ký thỏa thuận Brexit.
Theo VOV