Lo lắng

Theo đó, mức phí sẽ tăng thêm 30.000-70.000 đồng/lượt/nhóm phương tiện so với mức phí hiện nay. Cụ thể, mức phí đối với ô tô loại 1 tăng thêm 40.000 đồng/xe/lượt (tăng 57%); xe loại 2 tăng thêm 70.000 đồng/xe/lượt (tăng hơn 77%); xe loại 3 tăng thêm 60.000 đồng/xe/lượt (tăng hơn 42%); xe loại 4 và loại 5 cùng tăng hơn 16%, lần lượt tăng thêm 30.000 đồng/xe/lượt và 40.000 đồng/xe/lượt.

Ô tô qua lại hầm Hải Vân

Khi có thông tin tăng giá vé qua hầm Hải Vân bắt đầu từ thời điểm trên, ông Trần Sĩ Cuộc, Giám đốc HXT Vận tải ô tô Huế ngỡ ngàng. Ông Cuộc chia sẻ, đơn vị có hơn 100 phương tiện xe khách từ 15 đến 49 ghế; trong đó mỗi ngày qua lại hầm Hải Vân không dưới 30 lượt thì việc tăng phí sẽ khiến đơn vị gặp khó khăn. Thời gian qua, phần lớn các phương tiện của HTX ô tô Huế mua vé tháng để qua hầm Hải Vân. Nếu tăng giá thu phí như thông báo thì mỗi xe phải đóng thêm 1,2 triệu đồng/tháng. Tính ra phải mất thêm mấy chục triệu mỗi tháng. Một con số không nhỏ trong thời điểm kinh doanh vận tải hành khách ảnh hưởng dịch bệnh ế ẩm.

Ông Tăng Hồng Cường, Trưởng đội xe buýt Huế-Đà Nẵng cho rằng, hiện tại xe buýt chạy tuyến này chỉ lèo tèo vài khách, có chuyến chạy còn phải bù lỗ. Vì người dân chọn đi xe “ké” của những cá nhân, doanh nghiệp chạy “chui”. Nếu tính theo giá thu phí mới thì những chiếc xe buýt này sẽ rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" rồi sẽ về đâu.

Anh Giáp Văn Hòa, ở KQH Bàu Vá Thủy Xuân, TP. Huế thường lái ô tô đi công tác Đà Nẵng chia sẻ, với chặng đường khoảng 100km phải đi qua hai trạm thu phí đường bộ là trạm thu phí Phú Bài với giá vé là 35.000 đồng /lượt (thị xã Hương Thủy) và trạm thu phí Bắc Hải Vân (huyện Phú Lộc) với giá vé cũ là 70.000 đồng/lượt.

"Nay trạm Bắc Hải Vân tăng giá lên 110.000 đồng/lượt, tức tổng tiền phí vé qua lại một chuyến đi là 290.000 đồng, cao gần 3 lần tiền đổ xăng cho xe chạy. Quá hao tốn và không hợp lý" - anh Hòa nêu thực tế.

Có nhiều sự lựa chọn

Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng Đèo Cả, cho biết đơn vị đang gặp "áp lực tín dụng" và việc điều chỉnh này hoàn toàn nằm trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và Bộ GTVT.

"Đến nay chúng tôi đã hoàn thành các nghĩa vụ hợp đồng với cơ quan nhà nước. Trên cơ sở hợp đồng đã ký và sự chấp thuận của Bộ GTVT, chúng tôi buộc phải điều chỉnh giá thu để đảm bảo kinh phí vận hành và hoàn vốn. Hiện nay, các xe có nhiều sự lựa chọn để lưu thông, hoặc trải nghiệm dịch vụ hầm Hải Vân đã được tối ưu, hoặc đi đường đèo không mất phí hoặc di chuyển cao tốc La Sơn- Túy Loan sắp đi vào vận hành" - ông Huy nói.

Theo tìm hiểu thì vào cuối năm 2019, trạm thu phí bắc Hải Vân đã thu phí "gộp" cho hầm Phước Tượng - Phú Gia đang quản lý. Khi hỏi với mức giá quá cao cho một lượt xe tại sao không tách trạm để đảm bảo lợi ích của người dân, ông Huy cho biết hiện nay có quy định các trạm thu phí phải đặt cách nhau hơn 50km; trong khi đó nếu đặt thêm 1 trạm nằm phía bắc hầm Phước Tượng thì khoảng cách chưa đến 30km.

Giá vé quá cao tại một trạm gây thiệt thòi cho những người đi khoảng cách gần, nhất là người dân Lăng Cô và Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng). Theo tìm hiểu được biết lâu nay, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả vẫn áp dụng miễn giảm giá cho người dân ở khu vực gần trạm, như người dân thị trấn Lăng Cô qua lại hầm Hải Vân được miễn phí.

Ông Huy chia sẻ thêm, không thể so sánh giá thu phí đường bộ Hải Vân với các trạm thông thường vì suất đầu tư ở đây khá lớn. Việc đưa vào vận hành thử nghiệm hầm Hải Vân 2 vừa qua cho thấy hiệu quả rõ cho phương tiện, cụ thể thời gian qua hầm mỗi lượt giảm chỉ còn 6 phút so với 15 phút trước đây. Hơn nữa còn giảm được tiếng ồn, khói bụi, đường dẫn cũng thông suốt... nên việc điều chỉnh giá phí bắt đầu từ ngày 1/5 đến là hợp lý.

Phương tiện giao thông qua lại hầm Hải Vân tiện lợi, thông suốt

Bài, ảnh, clip: Song Minh