Đặt Stentgraft che lấp khối phình ở quai động mạch chủ
HYBRID là một thuật ngữ mới được phát triển những năm gần đây, dùng để chỉ những trường hợp kết hợp phẫu thuật và can thiệp cùng lúc để điều trị cho một bệnh nhân trong cùng một thời điểm. HYBRID ngày càng đóng vai trò quan trọng trong điều trị các bệnh lý tim mạch phức tạp, như: tim bẩm sinh phức tạp, đặt stent graft trong bệnh lý động mạch chủ nặng, thay van động mạch chủ qua da, bệnh lý động mạch vành nhiều nhánh…
Bệnh viện Trung ương Huế đã áp dụng phẫu thuật HYBRID để điều trị thành công, cứu sống được rất nhiều bệnh nhân bị phình bóc tách động mạch chủ cũng như chấn thương động mạch chủ. Đến nay, đội ngũ phẫu thuật viên của bệnh viện đã áp dụng phẫu thuật HYBRID giúp làm giảm những biến chứng nặng nề, giảm tỷ lệ tử vong một cách đáng kể, giảm thời gian nằm viện, bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và trở lại với cuộc sống bình thường.
Trong đó có những trường hợp cấp cứu rất nặng đe doạ tính mạng bệnh nhân. Bệnh nhân Lê H. 67 tuổi, đến từ Quảng Nam là một trường hợp điển hình.
Bệnh nhân Lê H. được chuyển viện trong tình trạng ho ra máu lượng lớn gây tụt huyết áp. Kết quả thăm khám và chụp cắt lớp vi tính lồng ngực và động mạch chủ có thuốc cho thấy, bệnh nhân bị phình động mạch chủ xuống dạng túi nghi ngờ dò vào đường thở gây ho ra máu. Bệnh nhân đã được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật HYBRID động mạch chủ cấp cứu, đặt Stentgraft che phủ vùng động mạch chủ thương tổn. Sau mổ bệnh nhân ổn định hết ho ra máu và ra viện sau 4 ngày.
Phình bóc tách động mạch chủ xảy ra khi có một điểm rách ở lớp áo trong và áo giữa (cửa vào) làm máu chảy vào giữa 2 lớp này tạo thành một khoang giữa 2 lớp này chứa máu không đông hoặc huyết khối gọi là lòng giả. Lòng giả này có thể tiến triển ngược lên phía trên về phía tim hoặc lan xuống phía dưới. Đây là một bệnh ít phổ biến với tỷ lệ mới mắc không rõ ràng, ở Hoa Kỳ ước tính khoảng 5.000 -10.000 ca/năm. Nếu không điều trị, tỷ lệ tử vong 25% chết trong 24h đầu, 50% trong tuần đầu, 75% trong tháng đầu và trên 90% trong năm đầu của bệnh. Theo y văn thế giới, các trường hợp chấn thương động mạch chủ nếu kịp vào viện thì có 30% số trường hợp tử vong trong giờ đầu, 50% số trường hợp tử vong trong 24h và sau 4 tháng các trường hợp không được chẩn đoán sẽ tử vong gần như 100% do vỡ động mạch chủ thứ phát.
BSCK II. Trần Hoài Ân, Giám đốc Trung tâm Tim mạch cho biết, kỹ thuật HYBRID hiện nay được xem là lựa chọn tối ưu để điều trị cho các trường hợp phình bóc tách động mạch chủ đặc biệt là vùng quai động mạch chủ. Trước đây khi phẫu thuật HYBRID chưa ra đời với các trường hợp phình bóc tách ở quai động mạch chủ, các bác sỹ phải tiến hành phẫu thuật thay quai động mạch chủ dưới tuần hoàn ngoài cơ thể.
Đây là một phẫu thuật rất khó và phức tạp có thể để lại nhiều biến chứng, tỷ lệ tử vong cao. Với phẫu thuật HYBRID, bệnh nhân được phẫu thuật bắc cầu nối động mạch cảnh chung bên phải động mạch cảnh chung bên trái động mạch dưới đòn bên trái, hoặc bắc cầu nối động mạch chủ lên với đông mạch cảnh 2 bên và động mạch dưới đòn trái sau đó can thiệp nội mạch qua ngã động mạch đùi thả Stentgraft che phủ thương tổn quai động mạch chủ. Ưu điểm của phương pháp này là hạn chế tối đa sự xâm lấn, qua đó hạn chế tai biến biến chứng giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục. Để phòng ngừa bệnh phình bóc tách động mạch chủ, người bệnh cần kiểm soát huyết áp ổn định, hạn chế thuốc lá, khám sức khoẻ định kỳ nhằm phát hiện sớm.
Tại Việt Nam hiện nay, số lượng các Trung tâm Tim mạch có thể thực hiện kỹ thuật này bằng chính đội ngũ phẫu thuật viên tại chỗ còn rất ít. Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Bệnh viện Trung ương Huế là nơi đầu tiên triển khai phẫu thuật HYBRID để điều trị các bệnh lý động mạch chủ giúp điều trị và cứu sống nhiều bệnh nhân có bệnh lý động mạch chủ phức tạp trong khu vực cũng như cả nước.
Tin: Đồng Văn, ảnh: BVCC