Mức chi tiêu của người dân tăng trong 3 tháng đầu năm 2021. Ảnh: LINH ĐAN​

Thường thì kinh tế tăng trưởng sẽ kéo theo việc làm tăng, nhưng tại sao trong quý I năm nay, hai chỉ số này lại đi ngược chiều?

Nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra các mô hình kinh tế để xác định mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và việc làm. Tăng trưởng kinh tế và việc làm có mối quan hệ tích cực. Điều này có nghĩa là tăng trưởng kinh tế tạo công ăn việc làm mới. Tuy nhiên ở mỗi nền kinh tế có khác nhau và có những giai đoạn, mối quan hệ này cũng không rõ ràng vì tùy theo mức độ từng nền kinh tế tăng trường theo chiều rộng (tăng khối lượng sản xuất nhờ vào tăng trưởng vốn, lao động và tài nguyên thiên nhiên...) hay chiều sâu (dựa vào khoa học và công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả, chất lượng của tăng trưởng...).

Đối với Thừa Thiên Huế, tình hình phát triển kinh tế quý I/2021 vẫn có những dấu hiệu khả quan. Ví dụ như chỉ số thu ngân sách Nhà nước ước đạt 2.344 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Một số chỉ số khác như: tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ, sản xuất công nghiệp (IIP), tổng vốn đầu tư… đều có mức tăng trưởng khá. Dù chưa thấy trong báo cáo nào đánh giá tình hình lao động quý I, song nhìn vào thực tế, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều ngành, lao động và việc làm bị ảnh hưởng, nghiêm trọng; nhất là ngành dịch vụ du lịch.

Thế thì những yếu tố tác động đến tăng trưởng nằm ở đâu?

Chắc chắn một điều không phải là năng suất lao động. Yếu tố năng suất lao động của Việt Nam được đánh giá là đạt thấp so với một số nước trong khu vực. Ở Thừa Thiên Huế, có lẽ cũng trong tình trạng như của Việt Nam. Nhìn vào các ngành kinh tế, chúng ta thấy chủ yếu là gia công hoặc lao động giản đơn nên không tạo ra giá trị gia tăng cao.

Rất có thể tăng trưởng là do các yếu tố: thứ nhất là từ vốn mà chủ yếu được tác động bởi vốn đầu tư công. Quý I/2021, vốn đầu tư công của cả nước giải ngân được 60,7 nghìn tỷ đồng. Ở Thừa Thiên Huế, tổng vốn đầu tư trong quý I/ 2021 là 4.150 tỷ đồng. Nguồn vốn này tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế, tuy nhiên không phải bất cứ ngành nào cũng nhận được sự tác động tích cực. Vốn đầu tư công thường được dùng vào xây dựng các công trình hạ tầng nên nó tác động trực tiếp đến những ngành liên quan đến xây dựng. Các ngành khác cũng có thể nhận được sự tác động dây chuyên gián tiếp nhưng có thể không tạo ra nhiều việc làm. Thứ hai: kênh vốn đầu tư tư nhân cũng tác động đến tăng trưởng.

Ở Thừa Thiên Huế, tính riêng các dự án đầu tư mới và điều chỉnh nâng vốn đã có tổng vốn đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng. Các dự án này có thể chưa tạo ra nhiều việc làm vẫn góp phần tạo ra tăng trưởng. Như trên đã đề cập, tăng trưởng từ vốn đầu tư gọi là tăng trưởng từ yếu tố vốn. Có thể đây là yếu tố chính tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Chi tiêu của người dân cũng là một yếu tố tạo ra tăng trưởng. Có thể người dân bị ảnh hưởng việc làm nhưng vẫn cứ phải chi tiêu. Tiền để họ chi tiêu là từ tích lũy, từ nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ và các địa phương. Chúng ta có thể thấy điều này qua chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. Ở Thừa Thiên Huế, chỉ số này trong 3 tháng đầu năm nay vẫn tăng trưởng đến 10,37% so với cùng kỳ năm trước. 

Nói tăng trưởng kinh tế với việc làm thường là mối quan hệ tích cực, tức là tăng trưởng kinh tế sẽ cùng chiều với tạo ra việc làm. Song có những thời điểm, mối quan hệ này là không rõ ràng. Phải chăng, tình hình phát triển kinh tế của cả nước trong quý I cũng như tình hình kinh tế Thừa Thiên Huế đã rơi vào trường hợp này?

NGUYÊN LÊ