Doanh nghiệp ở Khu Kinh tế Chân mây - Lăng Cô đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại
Tăng tỷ lệ lấp đầy
Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh quy hoạch phát triển 6 KCN với diện tích khoảng 2.393ha, bao gồm KCN Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa và Quảng Vinh.
Đến nay, KCN Phú Bài giai đoạn I, II, diện tích khoảng 185 ha được cấp phép đầu tư cho Công ty CP Xây lắp Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư HTKT, thu hút được 48 DA và tỷ lệ lấp đầy khoảng 98%. Khu B và Khu B mở rộng KCN Phong Điền, diện tích khoảng 147 ha, đã cấp phép đầu tư cho Công ty CP Prime Thiên Phúc xây dựng HTKT; La Sơn có diện tích khoảng 120ha, được cấp phép đầu tư cho Công ty TNHH Vitto, hiện đã thu hút 3 DA, với diện tích 27ha, thuộc ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến cát, tỷ lệ lấp đầy KCN khoảng 40%.
Ngoài ra, các KCN đã cấp phép đầu tư DA cho nhà đầu tư HTKT, nhưng chưa thành lập KCN gồm Phú Bài giai đoạn IV (đợt 1) có diện tích khoảng 85ha; Phong Điền mở rộng, diện tích khoảng 284 ha, đã cấp phép cho Tổng công ty Viglacera - CTCP xây dựng HTKT; KCN Tứ Hạ, diện tích khoảng 37,6 ha, đã cấp phép cho Công ty CP Hello Quốc tế Việt Nam.
Theo Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT), công nghiệp tỉnh Nguyễn Văn Sơn, mục tiêu từ nay đến năm 2025 là kêu gọi và cấp phép đầu tư DA kinh doanh kết cấu HTKT tại các KCN chưa có nhà đầu tư hạ tầng, như KCN Phú Đa, Quảng Vinh, La Sơn và Khu A KCN Phong Điền. Tỷ lệ các KCN được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt 100%; phấn đấu tỷ lệ lấp đầy KCN tỉnh bình quân trên 50%.
Dự kiến, nguồn lực triển khai đầu tư phát triển HTKT các KCN, KKT đến năm 2025 trên 5.116 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021- 2025, trong đó ngân sách Trung ương trên 2.718 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 257 tỷ đồng và trái phiếu Chính phủ hoặc ODA là 2.140 tỷ đồng.
Để hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư, UBND tỉnh chỉ đạo Ban quản lý KKT, công nghiệp tỉnh và các ngành, địa phương phải chuẩn bị các điều kiện tốt nhất; chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng một cách đồng bộ tại các KKT, KCN để đón đầu các nhà đầu tư lớn. “Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh cũng cần phải có sự chọn lọc, không phải vì mục tiêu thu hút nhiều DA mà đánh đổi môi trường hay thu hút những DA có nguy cơ ô nhiễm, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế không cao…”, ông Sơn nhấn mạnh.
Dốc sức cho hạ tầng
Đầu năm 2021, Ban Quản lý KKT, công nghiệp tỉnh đã cấp giấy phép đầu tư cho Công ty Gilimex triển khai đầu tư DA HTKT KCN Phú Bài giai đoạn III, giai đoạn IV (đợt 2) với diện tích 460ha, tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng. Đây được xem là bước đột phá trong công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư năm 2021, đặt nền móng để tiếp tục kêu gọi, thu hút các DA đầu tư hạ tầng quy mô lớn cho các KCN chưa có nhà đầu tư hạ tầng.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai DA, hiện Ban Quản lý KKT, công nghiệp tỉnh đang phối hợp với UBND TX. Hương Thủy và các địa phương triển khai công tác thống kê, đền bù giải phóng mặt bằng, quyết tâm hoàn thành trong năm 2021 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Cùng với KCN Phú Bài, hiện KCN Phong Điền chủ trương kêu gọi các DN chế biến cát để khai thác mỏ cát thạch anh có trữ lượng 3.800ha và kêu gọi các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may để lấp đầy KCN hỗ trợ dệt may; KCN Tứ Hạ chuyên về vật liệu xây dựng, thuốc tân dược, thiết bị y tế, may mặc thời trang; KCN La Sơn chú trọng lĩnh vực dăm gỗ, vật liệu xây dựng; KCN Phú Đa và Phú Bài II đang hạn chế thu hút các DA may mặc nhằm giảm áp lực về lao động cho các DN.
Thu hút đầu tư có chọn lọc
Ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, công tác thu hút đầu tư vào các KCN đã có những bước đột phá mạnh mẽ, nhiều DA sau khi cấp phép đã xây dựng nhà máy và tiếp tục mở rộng quy mô. Sắp tới, Ban sẽ cân đối lại ngành nghề, giảm dần các DA sản xuất hàng dệt may nhằm giảm áp lực về hạ tầng giao thông và lao động; tập trung kêu gọi các ngành nghề có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, sử dụng ít lao động, đồng thời hạn chế tối đa các DA gây ô nhiễm môi trường.
Hiện, các tập đoàn có nhà máy đặt tại các KCN Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc… đang đến nghiên cứu, khảo sát để xây dựng nhà máy tại các KCN nên thời gian tới, Ban sẽ ưu tiên kêu gọi các DA ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, tăng giá trị sử dụng đất và sử dụng lao động hiệu quả. Trong đó, ưu tiên các DA đầu tư HTKT KCN, các DA sản xuất lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dệt may, linh kiện điện tử, da giày và các sản phẩm có giá cao nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu cho các DN và đảm bảo nguồn lao động tại chỗ.
Mục tiêu trong 5 năm tới, xây dựng các KCN có giá trị gia tăng cao, là những KCN xanh, KCN sạch, thân thiện với môi trường, phù hợp với đặc thù địa phương, hướng đến xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo định hướng tại Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.
Quý I/2021, các KCN trên địa bàn thu hút 3 DA đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 3.000 tỷ đồng, nâng tổng số DA tại các KCN đến thời điểm này lên 104 DA với tổng vốn đăng ký hơn 24.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 33 ngàn lao động.
Bài, ảnh: KHÁNH THƯ