Nông dân xã Ia Kla, huyện Đức Cơ (Gia Lai) chăm sóc vườn cà phê

Còn trên thị trường thế giới, giá gạo Ấn Độ thấp nhất 5 tháng do đồng rupee suy yếu và số ca mắc COVID-19 gia tăng đã gây ra tình trạng “tắc nghẽn” logistics.

Về mặt hàng lúa gạo, theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tuần qua giá lúa ở nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn giữ ổn định. Điển hình như tại Cần Thơ, giá lúa khô loại Jasmine ở mức 7.200 đồng/kg, OM 4218 là 6.800 đồng/kg, IR 50404 là 6.700 đồng/kg…

Tại Sóc Trăng, các loại lúa cũng có giá ổn định như OM khô có giá từ 7.300 – 7.900 đồng/kg, ST 24 là 7.650 đồng/kg, Đài Thơm 8 là 8.100 đồng/kg…

Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá một số loại lúa trên địa bàn tỉnh trong tuần qua quay đầu tăng nhẹ. Giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 6.000 - 6.200 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với cuối tuần trước. Một số loại lúa chất lượng cao như OM từ 6.000 - 6.500 đồng/kg, tăng từ 100- 300 đồng/kg tùy loại. Bên cạnh đó, một số loại lúa giá vẫn giữ ổn định như Đài Thơm 8 từ 6.300 - 6.500 đồng/kg, lúa Nhật vẫn giữ ổn định từ 7.500 - 7.600 đồng/kg…

Trong khi đó, giá một số mặt hàng gạo tại An Giang lại có xu hướng ổn định. Cụ thể, gạo Hương Lài 18.000 đồng/kg, gạo Nhật là 24.000 đồng/kg, nếp từ 13.000 - 14.000 đồng/kg, gạo Jasmine từ 14.000 - 15.000 đồng/kg. Đặc biệt, riêng giá gạo thường dao động ở mức từ 11.000 – 11.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Hiện bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang bước vào thu hoạch vụ Đông Xuân 2020-2021. Ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt cho biết, vụ Đông Xuân năm nay hợp tác xã gieo trồng trên diện tích 220 ha, năng suất ước đạt từ 7 - 8 tấn/ha, cao hơn vụ năm ngoái khoảng từ 600 - 800 kg/ha. Hiện giá lúa đang được bán với giá giao động từ 5.700 - 6.000 đồng/kg, tương đương với giá lúa thời điểm năm ngoái. Tuy nhiên, năm nay do năng suất, sản lượng tốt hơn so với năm ngoái, nên lợi nhuận cũng tăng lên, đạt khoảng 50 triệu đồng/ha.

Tỉnh Kiên Giang đã thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân 2020 - 2021, năng suất bình quân đạt 7,63 tấn/ha, sản lượng hơn 2,17 triệu tấn. Lúa trúng mùa bán được giá, nông dân phấn khởi, lợi nhuận khá cao, từ 40 triệu đồng/ha trở lên sau khi trừ chi phí sản xuất, giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Hiện nông dân Kiên Giang đã xuống giống khoảng 106.500 ha, tập trung ở các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành, Gò Quao và thành phố Rạch Giá. Theo lịch thời vụ, tỉnh xuống giống dứt điểm vụ lúa Hè Thu vào trung tuần tháng 6/2021.

Về mặt hàng cà phê, giá cà phê ở khu vực Tây Nguyên trong tuần qua tiếp tục có xu hướng tăng. Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, giá cà phê dao động ở mức 32.800 - 33.700 đồng/kg, tăng từ 600 - 800 đồng/kg so với cuối tuần trước. Giá cà phê thấp nhất tại Lâm Đồng là 32.800 đồng. Tại các địa phương khác như Đắk Nông là 33.500 đồng/kg; Kon Tum là 33.400 đồng/kg; Đắk Lắk là 33.700 đồng/kg.

Tuy nhiên, do cả nước đang trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 4 ngày, cùng với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương khiến thị trường cà phê giao dịch trầm lắng.

Trên thị trường thế giới, giá gạo của nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp của 5 tháng trong tuần này do đồng rupee suy yếu và số ca mắc COVID-19 gia tăng đã gây ra tình trạng “tắc nghẽn” logistics.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã giảm xuống từ 374 - 379 USD/tấn so với mức tư 386 - 390 USD/tấn trong tuần trước.

Nitin Gupta, Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh gạo của Olam India cho biết làn sóng COVID-19 thứ hai đã bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển từ các nhà máy xay xát đến các cảng. Hiện hoạt động xay xát chưa bị ảnh hưởng, nhưng nếu số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng, tình hình sẽ khác.

Tổng số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ đã vượt 18 triệu ca tính đến ngày 29/4. Trong khi đó, đồng rupee Ấn Độ vẫn suy yếu so với các đồng tiền tệ khác.

Nước láng giềng Bangladesh cũng đang “quay cuồng” với đợt dịch mới, buộc nước này phải kéo dài các biện pháp phong tỏa cho đến ngày 5/5, làm ảnh hưởng đến việc thu hoạch lúa gạo do thiếu lao động. Bangladesh đã trở thành nước nhập khẩu gạo lớn sau khi liên tiếp hứng chịu các trận bão lũ hồi năm ngoái, gây thiệt hại mùa màng.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên từ 470 - 500 USD/tấn so với mức từ 467 -500 USD/tấn trong tuần trước.

Một thương nhân cho biết các nhà xuất khẩu đã có gạo để vận chuyển, song nhu cầu không cao. Nhu cầu gạo từ khu vực Trung Đông đã giảm trong tháng Ramadan.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống còn từ 485 - 490 USD/tấn trong ngày 29/4, mức thấp nhất kể từ ngày 10/12, so với mức tư 485 - 495 USD/tấn của tuần trước.

Một thương nhân có trụ sở tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động buôn bán chậm lại do nhiều thương lái nghỉ lễ dài ngày. Một số nhà xuất khẩu vẫn đang thu mua các hợp đồng đã ký trước đó.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong bốn tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam dự kiến giảm 10,8% so với một năm trước xuống 1,89 triệu tấn, song doanh thu ước tăng 1,2% lên 1,01 tỷ USD.

Thị trường nông sản Mỹ cho thấy, giá nông sản đều tăng giá trong phiên giao dịch cuối tuần 30/4, dẫn đầu là mặt hàng ngô.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 7/2021 tăng 25 xu Mỹ (3,86%) lên 6,7325 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn tăng 5,75 xu Mỹ (0,79%) lên 7,3475 USD/bushel, còn giá đậu tương tăng 32 xu Mỹ (2,13%) lên 15,3425 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho biết, khối lượng giao dịch các loại hàng hóa nông sản đã giảm xuống trong vài ngày gần đây trong bối cảnh phần lớn các nước nghỉ lễ Quốc tế Lao động.

Giá ngô tăng chủ yếu do các dự báo về tình hình thời tiết khô hạn, có thể làm ảnh hưởng đến nguồn cung.

Công ty tư vấn nông nghiệp Safras của Brazil mới đây đã hạ dự báo vụ ngô 2020-2021 xuống còn 104 triệu tấn, giảm 8% do điều kiện thời tiết khô hạn gần đây. Theo AgResource, hợp đồng ngô giao tháng 7/2021 có thể “thử nghiệm” mức cao 6,8 USD/bushel.

Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2021 tại thị trường London tăng 4 USD/tấn lên 1.456 USD/tấn. Trong khi đó, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2021 trên sàn giao dịch New York giảm 1,55 xu Mỹ/lb ở mức 141,45 xu Mỹ/lb (1lb = 0,45359kg).

Theo các nhà quan sát, các thị trường cà phê cần có thêm vài phiên điều chỉnh khi giá cà phê Arabica vẫn chịu nhiều bất lợi. Trong khi sản lượng cà phê Arabica Brazil năm nay sụt giảm nghiêm trọng không chỉ do bị khô hạn ngay từ đầu vụ mà còn rơi vào năm giảm theo chu kỳ ''hai năm một''.

Theo TTXVN