Các nước EU đặt mục tiêu giảm phụ thuộc vào nước ngoài trong 6 lĩnh vực chiến lược. Ảnh minh hoạ: The Star/VOV

Bản dự thảo kế hoạch mà Reuters có được chỉ ra mức độ cấp bách của nhiệm vụ nêu trên, trong bối cảnh châu Âu đang phụ thuộc nhiều vào các đối tác nước ngoài. Cụ thể, các nước EU đang phụ thuộc vào Trung Quốc đối với khoảng một nửa trong số 137 sản phẩm được sử dụng trong các hệ sinh thái nhạy cảm, chủ yếu là nguyên liệu thô, dược phẩm và các sản phẩm quan trọng khác đóng vai trò chủ chốt cho các mục tiêu xanh và kỹ thuật số của khối.

Kế hoạch chiến lược công nghiệp cập nhật, được đưa ra sau những tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 dẫn đến tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, sẽ được Giám đốc kỹ thuật số EU Margrethe Vestager và Giám đốc ngành công nghiệp EU Thierry Breton trình bày vào ngày 5/5 tới.

Dự thảo văn bản tiết lộ rằng Ủy ban châu Âu sẽ tiến hành đánh giá sâu về 6 lĩnh vực chiến lược, bao gồm nguyên liệu thô, dược phẩm, chất bán dẫn, pin, hydro, công nghệ đám mây và công nghệ mũi nhọn, trước khi quyết định các biện pháp thích hợp.

Theo Reuters, các biện pháp này có thể bao gồm "đa dạng hóa cung và cầu dựa vào các đối tác thương mại khác nhau bất cứ khi nào có thể, nhưng cũng đảm bảo năng lực dự trữ và hành động tự chủ bất cứ khi nào cần thiết", tài liệu dài 19 trang cho biết.

Một chiến lược khác được đưa ra trong dự thảo nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu là các nước EU có thể sẽ tập hợp nguồn lực cho các Dự án Quan trọng của Lợi ích Chung châu Âu (IPCEI) trong lĩnh vực công nghệ đám mây thế hệ mới, hydro, ngành công nghiệp carbon thấp, dược phẩm và dự án IPCEI thứ hai về chất bán dẫn tiên tiến.

Được biết, IPCEI cho phép các chính phủ EU bơm vốn theo các quy tắc viện trợ dễ dàng hơn và tạo điều kiện để các công ty phối hợp cùng nhau trong toàn bộ phạm vi của dự án, từ thiết kế đến sản xuất và các ứng dụng hạ nguồn.

Châu Âu cũng cần đi đầu trong việc thiết lập các tiêu chuẩn cho pin, hydro, điện gió ngoài khơi, hóa chất an toàn, an ninh mạng và dữ liệu không gian để đảm bảo tính cạnh tranh và khả năng phục hồi của các ngành công nghiệp trong khối.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)