Cần phần phối vaccine rộng rãi, với giá cả phải chăng để tất cả mọi người ở tất cả các nước đều có thể tiêm chủng. Ảnh minh họa: Reuters/VOV

Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nhận định rằng các công ty dược phẩm “nên cung cấp vaccine với quy mô lớn và chi phí phù hợp cho toàn thế giới để không tạo nên thách thức cho những người cần tiêm chủng”.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của Mỹ cũng nhấn mạnh rằng khi hàng triệu sinh mạng đang bị đe dọa, các công ty dược phẩm phải được yêu cầu cho phép các quốc gia khác có quyền sở hữu trí tuệ về vaccine COVID-19 để họ có thể sản xuất vaccine cho những người thật sự cần nó, nhất là ở các nước nghèo.

Được biết, Mỹ đã gửi cho Ấn Độ đủ số nguyên liệu cần thiết để sản xuất ngay lập tức 20 triệu liều vaccine, đặc biệt là khi quốc gia Nam Á này đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, trong đó số ca nhiễm và tử vong đang đạt các con số kỷ lục. Cụ thể, tính đến 4h23p sáng ngày 3/5 theo giờ Việt Nam, Ấn Độ đã gần chạm mốc 20 triệu ca nhiễm COVID-19 và số ca tử vong do đại dịch gây nên đã là hơn 218.000 trường hợp.

Trong chuỗi nỗ lực giúp Ấn Độ vượt qua đợt dịch khủng khiếp này, chính phủ Anh cho biết sẽ gửi thêm 1.000 máy thở cho Ấn Độ. Trước đó, Anh đã nhất trí gửi đến Ấn Độ 600 thiết bị y tế, bao gồm máy thở và máy tập trung Oxy.

“Sự hỗ trợ này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của Ấn Độ, đặc biệt là về Oxy cho bệnh nhân. Chúng tôi quyết tâm giúp người bạn Ấn Độ của chúng tôi trong giờ phút mà họ cần”, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhấn mạnh trong một tuyên bố.

Các quan chức y tế hàng đầu của Anh cũng đã có cuộc thảo luận với đội ngũ y tế Ấn Độ để đưa ra lời khuyên cho các hành động tiếp theo.

Nhiều nước khác, bao gồm Mỹ, Đức và Pakistan cũng thúc đẩy hỗ trợ cho Ấn Độ.

Động thái giúp Ấn Độ vượt qua thời điểm khó khăn của Anh được diễn ra trước thềm cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 4/5 để tìm cách thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương hai nước.

Cuộc điện đàm là sự kiện thay thế cho chuyến thăm đến Ấn Độ của Thủ tướng Boris Johnson được lên kế hoạch diễn ra vào tháng Tư, song đã bị hủy bởi sự gia tăng của tỷ lệ nhiễm bệnh ở Ấn Độ.

Cũng trong dòng tin về tình hình dịch, Campuchia đã đặt lệnh cấm nhập khẩu thịt và các sản phẩm đông lạnh từ Ấn Độ như một nỗ lực để ngăn chặn sự lây lan hơn nữa của COVID-19.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA, Worldmerters & Khmer Times)