Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi đi trên đường phố Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 3/5, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc (ASEAN+3) đã tiến hành một hội nghị trực tuyến nhằm thảo luận các tác động của đại dịch COVID-19 và cách thức tăng cường hợp tác trong đại dịch.
Cuộc họp diễn ra bên lề hội nghị thường niên ba ngày của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), sự kiện cũng được tổ chức dưới hình thức trực tuyến từ ngày 3/5.
Nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết các lãnh đạo ngành tài chính của 13 quốc gia dự định ra tuyên bố chung sau hội nghị.
Tại hội thảo trực tuyến hồi tháng 9/2020, ASEAN+3 đã quyết định áp dụng linh hoạt cơ chế Sáng kiến Đa phương hóa Chiang Mai, có hiệu lực từ năm 2010 nhằm giải quyết các vấn đề về tính thanh khoản ngắn hạn và cán cân thanh toán trong khu vực khi xảy ra khủng hoảng.
Cơ chế này xuất phát từ Sáng kiến Chiang Mai, thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đầu tiên trong khu vực được 13 quốc gia châu Á khởi động tháng 5/2000 nhằm tránh tái diễn cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997.
Tại cuộc gặp thường niên lần này, ADB mong muốn khởi động Trung tâm Thuế quan châu Á-Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác về chính sách và quản lý thuế, qua đó hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các nước đang phát triển trong khu vực.
Sáng kiến này sẽ tạo ra một nền tảng toàn diện cho đối thoại chính sách giữa 68 thành viên ADB và các thể chế quốc tế như Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Trước đó, cùng ngày, các bộ trưởng tài chính Trung-Nhật-Hàn đã tổ chức hội thảo trực tuyến riêng.
Theo Vietnam+