Giá đất tăng đột biến sẽ gây xáo trộn về nhu cầu nhà ở của người dân

Lộ trình Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ngày càng đến gần. Trước đây là thông qua Đề án cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế. Mới đây nhất,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Đề án mở rộng đô thị Huế. Đây là những thông tin rất vui đối với người dân Thừa Thiên Huế.

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh bất động sản, rất có thể sẽ có những biến động mạnh về giá đất. Trong  điều kiện bình thường, đất lên hay xuống chưa hẳn là quan trọng vì điều này là do thị trường. Nhưng trong trường hợp này, nếu giá đất biến động theo hướng tăng mạnh, có thể sẽ làm mất đi cơ hội về đất ở, nhà ở… cho người thu nhập thấp. Nếu nhìn theo “hệ qui chiếu”  đất đai, chưa chắc những người có thu nhập trung bình giữ được mức này mà có thể “xuống hạng” thu nhập thấp!

Vì sao vậy? Là vì khi đất tăng nhưng thu nhập không tăng tương ứng thì mong muốn sở hữu được một miếng đất trở nên bị đẩy ra xa hơn. Ví dụ một người có thu nhập trung bình 10 triệu đồng/tháng được cho là thu nhập trung bình, so với điều kiện giá đất ở dao động 3 - 5 triệu đồng/m2. Giờ tự nhiên giá đất vọt lên mười hoặc vài chục triệu đồng một m2. Tự nhiên, người này phải làm việc và tích lũy nhiều năm hơn mới may ra có cơ hội sở hữu một miếng đất. Nhìn như vậy, chúng ta sẽ thấy không phải bất cứ sự hay ho nào cũng đều không có sự đánh đổi. Có thể là cơ hội tốt cho người này nhưng lại đánh mất cơ hội cho những người khác. Theo dõi từ trước đến nay thấy tác nhân chính gây nên những cơn sốt đất thường là quy hoạch được công bố, những công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng; một trung tâm hành chính nào đó hoặc những công trình kinh tế (ví dụ như nhà máy, các cơ sở du lịch) có khả năng tạo sức lan tỏa; Hoặc như điều chỉnh địa giới hành chính theo hướng đô thị hóa (ví dụ như mở rộng TP. Huế); Nhu cầu nhà ở đất ở trong một thời điểm nào đó tăng vọt (ví dụ như giải tỏa Thượng Thành, Eo bầu, giải tỏa để làm cao tốc, hoặc sau một trận lụt những người ở vùng ngập lụt có nhu cầu chuyển đến nơi cao ráo). Cũng có khi chẳng vì tác động nào mà vì tin đồn, tạo sóng để nâng giá đất của những nhà kinh doanh bất động sản… Tự nhiên nhà anh đang ở địa giới hành chính là huyện, là xã, giờ trở thành cư dân của phường, của thành phố thì giá đất biến động theo hướng tăng lên cũng là chuyện dễ hiểu.

Vấn đề là kiểm soát thế nào để giá đất không tăng đột biến gây những xáo trộn lớn về nhu cầu nhà ở, đất ở của số đông người dân. Đất tăng đột biến, người giàu, người có tiền sẽ nương theo đó mà giàu thêm. Còn những người ít tiền có thể tuột mất dần cơ hội về nhà ở, đất ở. Trong thực tế, chính sách về nhà ở, đất ở cho người thu nhập thấp chưa bao giờ theo kịp với thực tiễn. Chúng ta thử nhìn vào vài khu nhà ở được xây dựng mà xem. Trước đây gọi là nhà ở cho người thu nhập thấp, nhưng sau đó thấy tên gọi như vậy có điều gì đó không ổn nên điều chỉnh lại, gọi là nhà ở xã hội. Nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng xe ô tô (một thử hàng xa xỉ) thì đậu đầy sân. Thế mới biết, có nhiều chính sách khi đưa vào thực tế, bằng cách này hay cách khác có thể bị lợi dụng !?

Kiểm soát cho được giá đất ổn định quả là vấn đề khó. Vì những nhà kinh doanh bất động sản là người chớp rất nhanh những cơ hội về biến động giá đất. Lợi nhuận họ thu được, có khi rất cao cũng từ đó mà ra. Song để tạo ra một độ tương đối công bằng về quyền tiếp cận nhà ở cho người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp cũng là một trách nhiệm của chính quyền. Để cắt đứt mọi cơn sốt, trong đó có sốt đất chỉ có một cách hiệu quả nhất là tăng nguồn cung. Mà Nhà nước có thể làm rất tốt điều này. Ở Thừa Thiên Huế, khoảng hai năm qua, mỗi năm chúng ta thu được hàng ngàn tỷ đồng từ chuyện quyền sử dụng đất, tức là tăng nguồn cung. Tuy nhiên thực tế, có vẻ như cũng chỉ kiềm được giá đất tăng ở một mức độ nào đó thôi.

Lê Phương