Tập huấn cho các nữ ứng cử viên tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp

Đóng góp

Nhiệm kỳ 2016 – 2021, với vai trò là thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh, bà Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh (LHHPN) luôn tích cực tham gia thẩm tra các nội dung liên quan đến lĩnh vực pháp chế, góp phần cùng Ban Pháp chế có những kiến nghị, đề xuất hiệu quả, kịp thời. Chẳng hạn, từ báo cáo, ý kiến của Ban Pháp chế, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 06, trong đó có quy định những người là Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, Hội LHPN, Hội Nông dân, Bí thư Chi đoàn thanh niên ở thôn, tổ dân phố có mức bồi dưỡng 300.000 đồng/người/tháng từ đoàn phí, hội phí, kinh phí hoạt động khoán cho các đoàn thể, các nguồn quỹ khác (nếu có) và từ nguồn ngân sách hỗ trợ.

Là đại biểu HĐND TP. Huế nhiệm kỳ 2016-2021, bà Đặng Thị Thanh Huyền, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Hậu đã làm tốt vai trò “cầu nối”, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri, người dân đến các cơ quan chức năng. Là tổ phó tổ số 4, HĐND TP. Huế, phụ trách các phường Phú Hậu, Phú Hiệp, Phú Cát, Phú Hòa, bà Huyền không ngại va chạm trong các phiên thảo luận, chất vấn UBND thành phố, các ủy viên ủy ban về những kiến nghị của cử tri trong các cuộc tiếp xúc và giám sát.

Nhiều vấn đề đại biểu Đặng Thị Thanh Huyền kiến nghị, đề xuất đã được UBND thành phố tiếp thu, có kế hoạch chỉ đạo cơ sở, các đơn vị, ngành liên quan trong triển khai thực hiện. Nổi bật như vấn đề nâng cấp đường kiệt và hệ thống thoát nước; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các lò mổ…

Bà Nguyễn Thị Ái Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, nhiệm kỳ 2016 – 2021, nữ đại biểu HĐND các cấp đã tích cực tham gia vào mọi hoạt động của HĐND các cấp, các chị đã phát huy được vai trò người đại biểu trên các nghị trường, qua các cuộc tiếp xúc cử tri. Từ các kiến nghị, đề xuất của nữ đại biểu đã góp phần giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương được giám sát và các cơ quan, đơn vị liên quan khắc phục hạn chế, nâng cao trách nhiệm để hoạt động hiệu quả hơn.

Kỳ vọng về sự chuyển biến tích cực

Những ngày này, bên cạnh công việc chuyên môn, chị Dương Thị Thu Truyền, Trưởng phòng Khoa giáo - Văn xã, Sở Kế hoạch và Đầu tư còn dành thời gian tham gia các lớp tập huấn cho các đại biểu tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp do các đơn vị liên quan tổ chức. Chia sẻ lý do tham gia ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026, chị Truyền cho biết: “Tôi muốn thử sức mình ở một vai trò mới, muốn được lắng nghe cử tri chia sẻ tâm tư, nguyện vọng để rồi chắt lọc những vấn đề thiết thực, kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền, góp phần tạo nên sự đồng thuận, thống nhất giữa chính quyền và người dân”.

Tại hội nghị hiệp thương lần thứ 3 do UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức nhằm chốt danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026, nữ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội là 5/10, chiếm tỷ lệ 50% và nữ tham gia ứng cử đại biểu HĐND tỉnh là 31/86, chiếm tỷ lệ 36,04%, vượt so với quy định tại Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị.

Theo bà Nguyễn Thị Ái Vân, các nữ tham gia ứng cử nhiệm kỳ này đều là những ứng cử viên có uy tín, kinh nghiệm, bề dày công tác lâu năm và được cử tri tín nhiệm, đồng tình cao thông qua việc lấy ý kiến nhận xét của hội nghị cử tri nơi cư trú. Điều này cho thấy kỳ vọng về tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp sẽ có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, để đạt tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ tới như mong muốn còn cần rất nhiều yếu tố. Trong đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nữ ứng cử viên tham gia đầy đủ các đợt vận động cử tri tại nơi ứng cử; tập trung công tác tuyên truyền, xóa bỏ định kiến giới trong bầu cử cho cử tri... Quan trọng hơn, những nữ ứng cử phải hết sức tự tin, tuyệt đối không bao giờ tự cho rằng mình chỉ là “đệm” cho người khác, dẫn đến buông xuôi, làm cho qua chuyện, mà phải quyết tâm khẳng định mình và thuyết phục cử tri.

Bài, ảnh: Hải Thuận