Nông dân Phong Điền bắt đầu tập trồng dưa hấu theo hướng hàng hóa
Điểm sáng
Như nhiều địa phương khác, huyện Phong Điền còn gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực quản lý nhà nước về KHCN. Cán bộ chỉ kiêm nhiệm, nguồn thu ngân sách huyện hạn hẹp, vốn sự nghiệp KHCN cho cấp huyện mỗi năm không nhiều. Trong khi đó, tiềm năng phát triển kinh tế ở địa phương này khá lớn. Góp phần giải quyết vấn đề này, Phong Điền đã bố trí, lồng ghép nhiều nguồn vốn đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất, đời sống, đưa kinh tế phát triển.
Ông Trịnh Đức Hiệp, Phó Trưởng phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Phong Điền cho biết, đến nay nhiều đề tài KHCN được ứng dụng rộng rãi tại địa phương, như mô hình trồng ổi, táo, na... ở xã Phong Hiền áp dụng công nghệ của các nước tiên tiến trên thế giới để nâng cao năng suất, mang giá trị kinh tế cho người vùng đồi, vùng cát; ứng dụng mô hình sử dụng điện năng lượng mặt trời tại các “điểm đen” trên các tỉnh lộ qua địa bàn để cảnh báo nguy hiểm, góp phần hạn chế những vụ tai nạn giao thông...
Phong Điền còn phối hợp ban ngành chức năng của tỉnh đẩy mạnh hoạt động tài sản trí tuệ, như tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể các sản phẩm, làng nghề có tiềm năng phát triển kinh tế xã hội. Đơn cử như đệm bàng Phò Trạch; mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên; dưa hấu, thanh trà Phong Điền; lúa gạo vietGAP Hòa Bình Chương... hiện đang đăng ký nhãn hiệu tập thể để sản phẩm vươn ra thị trường lớn.
“Nhờ đầu tư, xây dựng thương hiệu các sản phẩm đệm bàng Phò Trạch, mộc Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, nước mắm Phong Hải... đã vươn ra thị trường xa”, ông Hiệp nói.
Tại huyện Phú Lộc, nhiều đề tài KHCN hướng tới nền nông nghiệp bền vững được ứng dụng thành công như, mô hình nuôi cá chình thương phẩm trên sông Truồi; nuôi cá tuần hoàn trong bể xi măng ở xã Vinh Mỹ nhằm tránh ô nhiễm môi trường nước; mô hình trồng giống ớt sừng bò; nuôi cá chình xen ghép cá rô đầu vuông... Đáng nói khi tiếp nhận mô hình, dự án người dân địa phương đã chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh, như mô hình nuôi cá chình trên sông Truồi mở ra hướng đi mới của người dân địa phương.
“Hiện giá thành giống cá chình khá cao, nếu phải nhập giống từ các nơi về, chi phí tăng cao. Trong khi người dân tham gia mô hình nắm được quy trình nuôi mới, tiếp cận nguồn giống giá thành thấp sau hơn 2 tháng nuôi thu hoạch mang lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần”, ông Võ Đại Thắng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng Phú Lộc cho biết.
Hiện nay huyện Phú Lộc đang tạo lập, xây dựng nhãn hiệu rượu vang Bạch Mã, cá vẩu Cầu Hai, nước mắm Vinh Hiền... Đây là những sản phẩm tiềm năng được nhiều người dân quan tâm. Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Phú Lộc chủ trì dự án khoa học cấp tỉnh “Phát triển chuỗi giá trị rau hữu cơ Vinh Mỹ” với kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng. Dự án này sẽ kết thúc vào tháng 3/2022 với mục tiêu xây dựng nhân rộng mô hình trồng loại nông sản đặc trưng có giá trị kinh tế cao ở các xã nằm bên kia phá Cầu Hai.
Cần lồng ghép nguồn lực
“Đầu tư KHCN cho cơ sở có ý nghĩa vô cùng lớn trong giai đoạn hiện nay”, TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN nhấn mạnh khi nói về hiệu quả nhiều chương trình, dự án thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp KH&CN cho cơ sở trong thời gian qua. Lấy ví dụ về sự gia tăng năng suất, sản lượng của cây lúa hiện nay ở vùng Hòa Bình Chương (Phong Điền), hay Lộc An (Phú Lộc), Phú Lương (Phú Vang)... Trong điều kiện diện tích bị thu hẹp, tỉ lệ người làm nông giảm nhưng năng suất và sản lượng cây lúa tăng 2,6 lần so với trước là nhờ tác động tích cực từ KH&CN, từ việc cải tạo giống lúa, đổi mới quy trình sản xuất, kỹ thuật canh tác… Thông qua nguồn vốn ngân sách KH&CN được phân cấp về cơ sở, các địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện nên hiệu quả phải tính ở chỗ “ngấm” vào cuộc sống, vào tay nghề của cán bộ cơ sở, trình độ dân trí của người dân các vùng nông thôn thông qua các mô hình kinh tế.
Cái khó hiện nay vốn sự nghiệp KHCN hàng năm phân bổ về cơ sở khiêm tốn, bình quân dao động từ 180-200 triệu đồng/huyện, chưa đáp ứng nhu cầu ứng dụng KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hơn nữa, theo Luật Ngân sách năm 2015, các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN ở cơ sở không chủ động. Nếu trước đây mỗi năm tỉnh cấp về cho các đơn vị cấp huyện kinh phí khoảng 4-5 tỷ đồng thì thời gian gần đây không còn.
Hiện nay, muốn đầu tư KHCN cho cơ sở không còn cách nào khác phải lồng ghép nhiều nguồn lực, phối hợp nhiều chương trình, dự án phát triển nông nghiệp nông thôn, chương trình OCOP (mỗi xã mỗi sản phẩm)... Ngoài ra, khuyến khích phát huy nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho hoạt động KHCN. Để nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN cơ sở, các địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu về vai trò, vị trí của KHCN đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Giám đốc Sở KHCN chia sẻ, một trong những chìa khóa mở ra cho hoạt động KHCN ở cơ sở, mới đây, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22 quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2030. Trong đó, nhiều nội dung, chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ hấp dẫn cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp “sống khỏe” nếu liên kết, quan tâm đầu tư KHCN cơ sở.
Bài, ảnh: Minh Văn