Học sinh THPT trải nghiệm môi trường học tập, rèn luyện của sinh viên sư phạm. Ảnh: Hữu Phúc

Những năm qua, nhiều ngành của các trường đại học không được học sinh lựa chọn nên tình hình tuyển sinh hết sức khó khăn. Không đủ chỉ tiêu thì cũng vẫn cứ phải đào tạo. Tình trạng này làm giảng viên đôi khi cũng mất dần động lực. Còn về phía nhà trường, đặc biệt là các trường tự chủ tài chính thì lo sốt vó về kinh phí để duy trì hoạt động. Điều này cho thấy, đào tạo đại học đã vào hồi cạnh tranh khốc liệt. Bất kỳ ngành nghề nào, lĩnh vực nào có cạnh tranh đều hay, nó loại bỏ dần sức ỳ, tăng tính năng động sáng tạo, bởi vậy mà nâng cao được chất lượng.

Việc thúc đẩy giáo dục đại học nâng cao chất lượng còn được tác động bởi nhiều yếu tố khác – đó là nhu cầu của học sinh và cả nhu cầu của xã hội. Thị trường lao động bây giờ khác với cách đây mươi năm, lại càng khác xa với thời bao cấp. Tấm bằng đại học bây giờ không phải là để “trang trí” mà để trang bị một kiến thức thật, kỹ năng thật để vào đời. Không học đại học được thì học nghề; không học nghề thì đi xuất khẩu lao động; không làm những ngành nghề này thì tìm cách hùn vốn để làm kinh doanh, dịch vụ. Làm nghề, nếu có tay nghề cao thì làm thầy, thậm chí là làm giám đốc doanh nghiệp, nhà thầu để cung cấp sức lao động. Nghề không tinh thì chấp nhận làm thợ. Vẫn sống được, thậm chí là sống tốt hơn nhiều ngành ở khu vực viên chức Nhà nước.

Tấm bằng đại học – vì vậy không phải là quá quan trọng đối với nhiều người. Thành ra, nhiều ngành của các trường đại học khó tuyển sinh. Tuy nhiên điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên và lo ngại vì đào tạo phải đi theo thị trường lao động. Thị trường lao động cần ngành nào thì đại học phải đào tạo ngành đó. Đào tạo lệch pha đã không được thị trường chấp nhận chứ chưa nói gì đến chất lượng.

Xin lấy một ví dụ. Năm nay, lĩnh vực xây dựng phát triển mạnh. Minh chứng cho điều này là nhiều loại hàng hóa phục vụ cho ngành này tăng đến mấy chục phần trăm. Sắt, gạch, cát, đất… đều tăng. Nhân công thì khan hiếm. Tôi thử khảo sát và biết được thợ nề và thợ sắt giờ đây không phải dễ tìm được. Tức là việc làm cho hai ngành này đã kín. Nếu xây dựng, đặc biệt là các công trình dân dụng  chỉ còn một cách phải chấp nhận là giãn tiến độ. Tôi cần anh cho nên anh ở thế “thượng phong” cũng phải. Một nhà thầu xây dựng kể rằng, ngay từ đầu năm nay, anh đã nhận việc kín cho đến cuối năm. Sắp xếp công việc sao cho các công trình chạy đều là một cách tính toán thường trực. Thợ biết rất rõ tình trạng này nên đôi khi cũng “làm mình làm mẩy” với thầu. Nó đâm ra có một mối quan hệ ngược – người tạo ra công ăn việc làm, trả lương thì lại đi chiều chuộng người làm công.

Cho nên, thầy bây giờ có lúc chưa chắc gì có giá bằng thợ!

Làm bất cứ nghề gì cũng cần đam mê mới thành công được. Đấy là lý thuyết, không sai. Nhưng làm việc đâu chỉ có đam mê mà phải có thu nhập. Đào tạo đại học cũng phải bám theo tiêu chí này. Đào tạo phải liên kết với doanh nghiệp để vừa có lý thuyết vừa thực hành, để sinh viên vừa có kiến thức lý thuyết vừa thạo nghề. Đảm bảo sinh viên ra trường là có việc làm. Làm được như vậy, phần còn lại của câu chuyện nằm ở sinh viên. Sinh viên chỉ còn lựa chọn là làm nơi nào có thu nhập cao hơn mà thôi chứ không lo không có việc làm. Muốn lương cao thì phải học cho giỏi, kiến thức, kỹ năng cho sâu, nghề phải tinh thông. Như vậy, nhà trường và sinh viên, doanh nghiệp đều được. Cùng nhau hợp tác để nâng cao chất lượng.

Giờ đây, các trường đại học không phải chỉ cạnh tranh với nhau mà còn cạnh tranh với cấp đào tạo thấp hơn - các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Chính sự cạnh tranh này đã, đang và sẽ định hình lại ngành nghề đào tạo đại học.

LÊ PHƯƠNG