Theo bản kế hoạch, đến năm 2020 Trung Quốc sẽ hoàn thành xây dựng mạng giám sát biển tổng hợp, bước đầu hình thành khả năng giám sát biển cả trên không, trên mặt biển và dưới biển.

Tàu tuần duyên Nhật (trên) bám theo tàu hải giám của Trung Quốc trên vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9.

 

Quy hoạch này được thực hiện nhằm thực hiện tham vọng của Trung Quốc đến năm 2020 sẽ trở thành siêu cường về biển.

Một quan chức của Cục hải dương Trung Quốc tiết lộ, nước này sẽ xây dựng mạng lưới giám sát biển bao trùm toàn bộ khu vực ven bờ, vùng biển ngoài khơi và vùng địa cực.

Để mạng lưới giám sát biển này hoạt động có hiệu quả, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ hoàn thành xây dựng các trạm đài giám sát ở ven biển, đài quan sát trên biển, trạm giám sát trên các đảo, xây dựng hệ thống radar cảnh báo, kết hợp với vệ tinh để bảo đảm giám sát toàn bộ khu vực biển, kể cả việc giám sát dưới đáy biển.

Động thái này của Trung Quốc sẽ gây lo ngại cho các quốc gia có chấp biển với Bắc Kinh, đồng thời sẽ làm căng thẳng ở Biển Đông, Hoa Đông ngày một leo thang.

Bắc Kinh có hàng loạt tranh chấp hàng hải với các quốc gia láng giềng, cụ thể là với Nhật Bản ở Hoa Đông, và với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và đảo Đài Loan ở Biển Đông.

Những năm gần đây, Trung Quốc liên tục có các hành động gây căng thẳng trong khu vực khi tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở Hoa Đông hồi cuối năm ngoái. Trung Quốc đã triển khai trái phép một giàn khoan dầu vào lãnh hải Việt Nam hồi tháng 5 năm nay và thực hiện công tác cải tạo đất và xây dựng phi pháp trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông.

 

Theo Dân Trí