Tư vấn thông tin tuyển sinh năm học 2021 - 2022. Ảnh: HỮU PHÚC

Sau hơn 3 năm học về kinh tế, mình nhận ra rằng học kinh tế thật ra là học về các mối quan hệ trong quá trình triển khai và hoạt động kinh tế. Hay nói dễ hiểu hơn là mối quan hệ giữa người với người, tổ chức với tổ chức, khách hàng với doanh nghiệp và nhân viên với nhân viên. Nói như vậy chúng ta cũng thấy ngành kinh tế rộng vô cùng và nó được chia ra 3 nhóm ngành phổ biến:

1. Kinh tế: nhóm ngành này với mình thấy thì nó mạnh về tính chuyên môn và khá phù hợp với những bạn thích phân tích, tính toán, tổng hợp thông tin,… những nhóm ngành tiêu biểu như Kinh tế học, Kinh tế đối ngoại, Kinh tế quốc tế,…

2. Quản trị: nhóm ngành này thường rất đa dạng và tập trung những ngành học hot như Marketing, Nhân sự, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính,…

3. Công cụ: nhóm ngành này khá giống với nhóm ngành đầu tiên và được đào tạo về chuyên môn khá cao, sử dụng các công cụ tính toán để phục vụ cho công tác quản lý như thống kê, tin học kinh tế, hệ thống thông tin quản lý,…

Hầu hết các trường hiện nay đều có chương trình đào tạo khoảng 3 năm rưỡi tại trường và nửa năm còn lại đi thực tập. Chương trình đào tạo cũng được phân chia rõ ràng trong 3 năm rưỡi đó. Như ở năm học đầu tiên, mình được học những môn đại cương như kinh tế vi/vĩ mô, toán cao cấp, nguyên lý kế toán,… Từ năm 2 đến năm 3 khi bước vào các chuyên ngành cũng là lúc các bạn được bước vào các môn học sâu hơn về ngành mình theo, mỗi ngành sẽ có những môn học riêng biệt khác nhau như ngân hàng sẽ học các môn về nghiệp vụ ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư, những chính sách tiền tệ,…

Người ta thường nói, học kinh tế rất khô khan nhưng với mình học kinh tế rất thú vị, vì kinh tế gắn liền với cuộc sống thường ngày của mọi người từ giải trí, buôn bán đến sinh sống. Và đối với mình kinh tế rất rộng và đa dạng ngành nghề từ đó cũng mở ra cơ hội nghề nghiệp rất đa dạng. Ví dụ như trong chương trình học ngoài những môn học bắt buộc về chuyên ngành bạn đang theo, thì ở trường mình còn phải tích đủ tín chỉ những môn học tự chọn của các chuyên ngành khác. Trong quá trình rèn luyện 3 năm rưỡi đại học, ngoài việc bắt buộc mình phải đi làm chính ngành đang theo học thì mình còn tìm thấy sự đam mê và thử đi làm ở những công việc part-time khác liên quan đến nhân sự (HR) và marketing.

Có việc làm là một chuyện và có việc làm lương cao lại là một chuyện khác. Đối với mình thì ngành học không quyết định tất cả, vì ngoài việc học ở trường thì năng lực cá nhân, không ngại thử, không ngại học hỏi cũng rất quan trọng và với những điều đó thì dù làm ở bất kỳ ngành nào bạn cũng có thể làm được và phát triển nó một cách tích cực.

TƯ HẠ