Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu chỉ nhìn vào con số xuất nhập khẩu thì thành tích của Việt Nam rất tốt vì tăng trưởng đang vượt quá kỳ vọng và chỉ tiêu đặt ra. Thế nhưng, dịch COVID-19 đã trở lại sẽ có thể trở thành yếu tố gây ảnh hưởng, sụt giảm ngay hoạt động xuất khẩu. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp không được phép quá lạc quan và không được phép chủ quan.

Thống kê từ Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4 đạt 25,5 tỷ USD, giảm 14% so với tháng trước. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4 lại tăng 44,9%.

Theo đó, tính chung 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 25,77 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô đạt 78,14 tỷ USD, tăng 34,4%, chiếm 75,2%.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, 4 tháng qua có tới 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó, có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 59,8%.

Xét theo các nhóm hàng, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ tháng 4/2021 đạt 2,167 tỷ USD, giảm 10,6% so với tháng 3/2021 và giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 8,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhóm nhiên liệu và khoáng sản là nhóm hàng duy nhất có kim ngạch xuất khẩu giảm trong 4 tháng với mức giảm 21,6%, đạt 922 triệu USD.

Theo ông Trần Thanh Hải, nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn là điểm sáng trong xuất khẩu khi tính chung 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 89,73 tỷ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Đánh giá từ các chuyên gia, hầu hết các mặt hàng kể trên đều đã bằng hoặc lấy lại đà tăng trưởng so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chung của Việt Nam trong năm 2021.

Ở chiều ngược lại, hoạt động nhập khẩu có sự gia tăng mạnh mẽ trong 4 tháng đầu năm 2021 nhờ sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Vì vậy, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 4 đạt 27 tỷ USD, tăng 43,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 102,61 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước.

Với con số xuất nhập khẩu như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 4 đã đưa nhập siêu lên mức 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, cộng gộp 4 tháng thì cán cân thương mại hàng hóa vẫn xuất siêu 1,29 tỷ USD; trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô xuất siêu 11,21 tỷ USD.

Nhận định về hoạt động xuất nhập khẩu khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, ông Trần Thanh Hải cho rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, doanh nghiệp cần nhận thức rõ được những diễn biến trên thị trường thế giới để có thể tranh thủ khai thác hết cơ hội, tiếp tục duy trì được thế mạnh xuất khẩu.

Còn về mặt thị trường, thời gian qua Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang hầu khắp thị trường, song khu vực châu Á vẫn là thị trường nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu.

“Khu vực châu Mỹ vẫn là thị trường có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và tiếp theo là thị trường châu Âu. Còn các khu vực như châu Phi và châu Đại Dương tăng trưởng cũng tốt nhưng giá trị tuyệt đối hiện nay vẫn chưa lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là những căn cứ để doanh nghiệp có thể tận dụng, gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới”. Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Nhận định của giới phân tích cũng đánh giá cao việc trong bối cảnh thế giới vẫn chịu tác động rất nặng nề của dịch bệnh COVID-19, cùng những hệ quả khác như thiếu container rỗng hay việc tăng giá cước tàu biển, sự cố của kênh đào Suez cộng với chi phí vận chuyển tăng nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn liên tục ghi nhận những kết quả tích cực và phát triển khá bền vững dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng.

Chẳng hạn như mặt hàng điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, nông sản và ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN…

Theo dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn và sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh.

Bên cạnh đó, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: gạo, cà phê, chè, cao su, hạt tiêu…sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hoạt động xuất nhập khẩu hiện vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản như việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều. Ngoài ra, chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm.

Do đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khuyến cáo, doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn về đầu vào, hỗ trợ về mặt thông tin và đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Theo TTXVN