Cán bộ Sở Công thương kiểm tra về an toàn thực phẩm tại cơ sở bánh ngọt ở đường Đội Cung, TP. Huế

Tăng cường công tác quản lý

Theo thống kê, toàn tỉnh có hàng trăm cơ sở SXKD thực phẩm, mỗi ngày cung ứng ra thị trường một lượng lớn thực phẩm. Để đảm bảo ATTP, thời gian qua, ngành công thương tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm về ATTP nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về ATTP.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, từ đầu năm đến nay, Sở Công thương thành lập các đoàn kiểm tra đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các cơ sở SXKD, quảng cáo thực phẩm; đồng thời tăng cường giám sát, hậu kiểm nhằm giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn.

Qua đợt kiểm tra, đa phần các cơ sở đều chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATTP, trong đó đảm bảo hồ sơ pháp lý như giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy tự công bố chất lượng sản phẩm, kết quả kiểm nghiệm sản phẩm đúng quy định; các điều kiện cơ sở vật chất; trang thiết bị, dụng cụ sản xuất vệ sinh sạch sẽ, hoạt động tốt; khu vực bảo quản nguyên liệu và thành phẩm kê kích đúng theo quy định.

Theo chủ Cơ sở hộ kinh doanh Nguyễn Hồ Việt Hà, thông qua việc kiểm tra về các quy định ATTP của Sở Công thương, như giấy đăng ký kinh doanh, nguồn gốc xuất xứ thực phẩm, nguyên phụ liệu sản xuất, nhà xưởng... đã giúp cơ sở nắm bắt một số thông tin quan trọng, liên quan đến quá trình bảo quản và sử dụng thực phẩm trong khâu chế biến các loại bánh trước khi cung ứng ra thị trường.

Quá trình kiểm tra đã chỉ ra một số hạn chế và yêu cầu khắc phục như, bố trí trang thiết bị dụng cụ chưa phù hợp với nguyên lý một chiều, hồ sơ nguyên vật liệu đầu vào chưa đầy đủ, người lao động trực tiếp mang bảo hộ chưa đầy đủ. Qua công tác thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, sở đã chấn chỉnh, nhắc nhở một số đơn vị khắc phục một số tồn tại như công tác vệ sinh cơ sở chưa đảm bảo ATTP, cơ sở vật chất sắp xếp không gọn gàng, cập nhật hồ sơ nguyên vật liệu đầu vào…

Để nâng cao ý thức của người dân trong công tác đảm bảo ATTP, sở đã tổ chức công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP bằng nhiều hình thức, như lồng ghép trong công tác thẩm định, kiểm tra các cơ sở; công tác xác nhận kiến thức ATTP, đồng thời tuyên truyền trên website của sở và các đơn vị trực thuộc, treo băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng (chất liệu thân thiện với môi trường) tại trụ sở cơ quan và các đơn vị trực thuộc.

Đẩy mạnh truyền thông

Với chủ đề “Đảm bảo ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”, Tháng hành động vì ATTP năm 2021 được Sở Công thương triển khai từ ngày 15/4 đến 15/5 từ thành thị đến nông thôn. Mục đích của hoạt động này nhằm nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn của các cá nhân, tổ chức SXKD thực phẩm; kịp thời xử lý các sự cố mất ATTP (nếu xảy ra trên địa bàn quản lý).

Theo đó, sở hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền tại các chợ truyền thống và trung tâm thương mại, siêu thị, ngoài việc treo băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng “Tháng hành động vì ATTP”, các doanh nghiệp, ban quản lý các chợ đã tuyên truyền đến người tiêu dùng, người kinh doanh thực phẩm về việc sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, đồng thời yêu cầu chế biến thực phẩm, không sử dụng nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Theo lãnh đạo Sở Công thương, từ đầu năm đến nay, sở đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát ATTP đối với các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, các cơ sở SXKD thực phẩm thuộc ngành công thương quản lý để hạn chế dịch bệnh truyền qua thực phẩm và các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm nhằm đảm bảo chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Tháng hành động vì ATTP lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến các mô hình SXKD, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương... , đồng thời công khai các cơ sở, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về ATTP nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi SXKD, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật.

Tháng hành động vì ATTP nhằm đẩy mạnh tuyên truyền đến người tiêu dùng, người kinh doanh thực phẩm về việc sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm, không sử dụng nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn.

Bài, ảnh: Thanh Hương