Theo bản tin thời sự trên VTV1 tối 8/5, chỉ chưa đầy một tuần qua, khi làn sóng COVID-19 đợt 3 bùng phát, cơ quan chức năng đã xử lý hàng chục trường hợp thông tin xuyên tạc, sai sự thật liên quan đến dịch bệnh với số tiền xử phạt vi phạm trên 160 triệu đồng.

Cho ý kiến về thực tế trên, đại diện Bộ Công an khẳng định: Việc đăng tải, phát tán thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bóp méo... liên quan đến dịch bệnh COVID-19 là hành vi phá hoại, cản trở, ảnh hưởng nỗ lực, thành quả phòng chống dịch.

Mới nhất là những thông tin sai lệch liên quan đến ca tử vong sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 do sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng tại tỉnh An Giang ngày 7/5/2021. Trong khi nguyên nhân tử vong đang được cơ quan chức năng làm rõ thì ngay lập tức, trên một số trang mạng cá nhân (facebook) xuất hiện thông tin nghi ngờ vô căn cứ chất lượng vắc-xin, cổ xúy người dân không nên tiêm vắc-xin phòng ngừa COVID-19 vì sự rủi ro, mất an toàn.

Điều đáng bàn là hành vi xuyên tạc, thông tin sai sự thật về COVID-19 là vấn đề không mới, từng rộ lên, từng bị xử lý nghiêm minh. Tại Thừa Thiên Huế, trong năm 2020, một số trường hợp vi phạm cũng bị xử lý kịp thời. Như trường hợp một phụ nữ ở TX.Hương Thủy, trong tháng 3/2020 đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 10 triệu đồng do đưa thông tin không chính xác liên quan đến dịch COVID-19 trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận.

Để ngăn chặn hành vi vi phạm về phòng, chống COVID-19, tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành chỉ thị chỉ đạo hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện, khẩn trương xử lý, đặc biệt đối với các hành vi không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch; chống đối người thi hành công vụ phòng, chống dịch; đưa tin sai, không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội; tái chế khẩu trang y tế đã qua sử dụng; sản xuất hàng giả, đầu cơ găm hàng, tăng giá trái pháp luật, gian lận thương mại, gây bất ổn thị trường... Nếu có dấu hiệu tội phạm thì điều tra, xử lý về hình sự.

Nghị định 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành ngày 15/4/2020 cũng quy định rõ mức phạt tiền từ 10 triệu đồng-20 triệu đồng đối với các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, bịa đặt, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống...

Hiện, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 đang diễn tiến hết sức phức tạp. Trong khi cả hệ thống chính trị đang quyết liệt chống dịch, vai trò, ý thức tự giác chấp hành quy định phòng chống dịch của mỗi người dân hết sức quan trọng.

Ngoài tăng cường tuyên truyền người dân tuân thủ quy định “5 K”; tăng cường kiểm soát, phát hiện, xử lý hành vi phá hoại, cản trở chiến dịch phòng chống dịch..., công tác truyền thông cần được tăng cường, bảo đảm sâu rộng, hiệu quả. Kịp thời biểu dương, ghi nhận những điển hình, sáng kiến tốt, hay trong phòng, chống dịch; Kịp thời cập nhật thông tin chính xác đến người dân, trong đó tận dụng thông tin trên nền tảng công nghệ.

Tại Thừa Thiên Huế, ngoài vai trò của báo chí, việc kích hoạt hiệu qủa chức năng thông tin qua ứng dụng Hue-S giúp thông tin chính xác, nhanh, hiệu qủa diễn biến, giải pháp phòng chống dịch tại địa phương, trong cả nước, góp phần định hướng thông tin, chống tin giả, tin bịa đặt, góp sức vào thành qủa chung nỗ lực phòng chống dịch.

Từ nguồn tin người dân phản ánh thông qua Hue-S, mới đây, ngày 6/5/2021, chủ một trang mạng xã hội trú tại TP. Huế đăng tải và chia sẻ nội dung thông tin không rõ ràng, cụ thể địa điểm xảy ra dịch bệnh, làm  người dân hoang mang trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, đã được cơ quan chức năng kịp thời làm rõ, xử phạt 5 triệu đồng.

Nhật Nguyên