Chăm sóc trẻ bị di chứng chất độc da cam/dioxin. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Ngày 10/5, Đảng Cộng sản Đức (DKP) đã ra tuyên bố ủng hộ vụ kiện lịch sử của bà Trần Tố Nga cũng như các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đối với 14 tập đoàn hóa chất đa quốc gia.

Trong tuyên bố gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Đức và Cơ quan thường trú TTXVN tại Berlin, Đảng Cộng sản Đức nêu rõ: “Ngày 10/5, một tòa án ở Paris đã phán quyết rằng Tòa án không đủ thẩm quyền để xử vụ kiện của người phụ nữ gốc Việt Trần Tố Nga đối với 14 tập đoàn đa quốc gia, trong đó có tập đoàn Dow Chemical và Bayer (Monsanto), vì những tổn hại mà các tập đoàn này đã gây ra do sử dụng chất độc da cam/dioxin trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam."

"DKP nhận thấy phán quyết này một lần nữa bỏ mặc hàng triệu người dân Việt Nam cho đến nay vẫn đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ thực hiện trong cuộc chiến Việt Nam."

Đảng Cộng sản Đức nhấn mạnh sẽ tiếp tục thông tin về các thủ phạm gây ra những đau thương cho người dân Việt Nam, đồng thời nêu rõ: "Chúng tôi khẳng định tình đoàn kết sâu sắc của chúng tôi với bà Trần Tố Nga và tất cả các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam."

Tuyên bố của Đảng Cộng sản Đức cho thấy sự quan tâm chia sẻ của những người Cộng sản Đức đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cũng như tình đoàn kết quốc tế cao cả của những người Cộng sản.

Trước đó, Văn phòng Luật sư Bourdon cũng khẳng định sẽ “luôn sát cánh” bên bà Trần Tố Nga và những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, mong bà Tố Nga giữ gìn sức khỏe để có thể “tiếp bước cuộc đấu tranh đến  cùng."

Bà Tố Nga đã đề nghị nộp đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm sau khi Tòa đại hình thành phố Evry của Pháp phán quyết rằng tòa không đủ thẩm quyền để xử vụ kiện.

Các luật sư William Bourdon, Amélie Lefebvre và Bertrand Repolt, những người đã hỗ trợ bà Tố Nga trong suốt hơn 10 năm qua, khẳng định rằng phán quyết sáng 10/5 của Tòa đại hình thành phố Evry (ngoại ô Paris), theo đó tòa cho rằng “không đủ thẩm quyền” để xử vụ kiện của bà, đã áp dụng một định nghĩa lỗi thời về nguyên tắc thẩm quyền thống nhất, mâu thuẫn với các nguyên tắc hiện đại của luật pháp quốc tế và quốc gia .

Theo Vietnam+