Thu gom rác thải tại bãi biển Quảng Điền
Ý thức chưa cao
Ngư dân Trần Văn Thiện ở xã Quảng Công (Quảng Điền) nhận thức, bảo vệ môi trường biển, bờ biển là bảo vệ an toàn sự sống cho mọi người, mà trực tiếp là chính người dân bản địa. Môi trường biển bị ô nhiễm thì tôm, cá không thể sinh sôi, hay bờ biển chứa nhiều rác thải, chất bẩn không thể thu hút khách đến tắm, tham quan sẽ ảnh hưởng đến đời sống ngư dân.
Vậy nhưng, chính ngư dân là tác nhân gây nên hậu quả ô nhiễm môi trường biển, bờ biển. Trong các chuyến đánh bắt hải sản gần bờ, ông Thiện từng nhiều lần chứng kiến người dân xả các loại rác thải, chai nhựa, bao bì xuống biển sau khi sử dụng. Hoặc một lượng rác, bao bì mắc lưới, thay vì thu gom đưa vào bờ xử lý đúng quy định thì ngư dân lại gỡ bỏ xả xuống biển trở lại.
Trên bãi biển, một bộ phận du khách, ngư dân vô tư xả thải các loại bao bì, chai nhựa. Mỗi buổi chiều tối, hoặc sáng sớm, đội thu gom rác thải của địa phương và người dân phải mất nhiều thời gian thu gom, xử lý. Nhưng khi ý thức bảo vệ của một bộ phận người dân còn thấp, thản nhiên xả rác bừa bãi thì hoạt động thu gom rác thải cứ thế diễn ra ngày này qua ngày khác.
Thu gom rác thải tại bãi biển Phong Hải
Thời gian gần đây, thông qua các buổi tuyên truyền, ra quân thu gom rác thải trên bãi biển của các lực lượng chức năng góp phần nâng cao nhận thức người dân trong bảo vệ môi trường biển, bờ biển. Tuy nhiên, một bộ phận ngư dân còn thiếu ý thức khiến các hoạt động bảo vệ môi trường biển gặp khó khăn nhất định. Tình trạng người gom kẻ xả khiến “điệp khúc” thu gom rác trên bãi biển chưa có hồi kết.
Cứ sau mỗi đợt sóng to, gió lớn mang theo một lượng rác thải đủ loại từ ngoài biển tràn vào bờ, ảnh hưởng đến môi trường. Người dân và các hội, đoàn thể địa phương mất nhiều thời gian, công sức thu gom, xử lý. Không cách nào khác ngoài triển khai các biện pháp vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong bảo vệ môi trường biển với phương châm “mưa dầm thấm sâu”.
Thu gom rác thải tại bãi biển Quảng Công
Hướng đến không xả rác
Chủ tịch UBND xã Quảng Công, ông Nguyễn Hữu Truyền cùng các trưởng thôn đến từng hộ gia đình ngư dân, vùng biển để vận động bà con nêu cao vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường biển. Đó chính là bảo vệ sự sống của họ. Trên bãi biển được quy hoạch các điểm thu gom, đặt thùng đựng rác và yêu cầu người dân bỏ vào thùng đúng quy định. Một số điểm được lắp đặt camera và tận dụng hệ thống camera của người dân ven biển để giám sát hoạt động xử lý, thu gom rác thải trên bãi biển.
Ông Hoàng Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Phong Hải (Phong Điền) khẳng định, môi trường biển, bờ biển đang ngày càng tốt hơn, cho thấy ý thức bảo vệ môi trường của người dân có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, một bộ phận người dân và ngư dân nói riêng còn thiếu ý thức, thường xả rác trên bãi biển, trên biển khiến môi trường chưa thật sự sạch. Chính quyền địa phương thường xuyên yêu cầu ngư dân trong quá trình đánh bắt phải giám sát lẫn nhau, nhắc nhở khi phát hiện hành vi xả rác xuống biển. Trong quá trình đánh bắt, ngư dân phải có ý thức, trách nhiệm trong việc thu gom, vớt rác thải, nhất là bao bì, chai nhựa trôi dạt trên biển.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong bảo vệ môi trường biển là hoạt động thường xuyên của cơ quan chức năng. Hằng năm, chi cục tổ chức nhiều đợt ra quân thu gom rác thải trên bãi biển, ngoài góp phần làm sạch bờ biển còn tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Trước mắt vận động, huy động mọi người dân thu gom rác, hướng đến thói quen không xả rác trên bãi biển.
Mới đây, Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức ra quân xử lý môi trường, thu gom rác thải trên bãi biển Phong Hải, thu hút hàng trăm người dân, cán bộ, thanh niên, lực lượng vũ trang tại địa phương tham gia. Hàng tấn rác thải trên bãi biển Phong Hải được thu gom. Điều quan trọng hơn, hoạt động này có ý nghĩa giáo dục người dân về tầm quan trọng của biển, môi trường biển đối với đời sống người dân. Từ đó, nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, ý thức của người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn môi trường biển.
Chi cục Thủy sản yêu cầu, ngoài khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngư dân và các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm, không vứt rác bừa bãi, không sử dụng rác thải nhựa, nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần… Đồng thời, đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng bảo vệ môi trường biển và hải đảo; thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường biển; đưa hoạt động “Hãy làm sạch biển” trở thành công tác tình nguyện thường xuyên ở các địa bàn ven biển.
Bài, ảnh: Hoàng Triều