Thành phố Venice ngập lụt lần đầu tiên trong 50 năm do thuỷ triều dâng. Ảnh: Reuters/Nhandan
Các khu vực đô thị đang mở rộng nhanh chóng là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số trên hành tinh và ngày càng phải hứng chịu nhiều thảm họa do khí hậu, các cú sốc kinh tế và khủng hoảng sức khỏe khi trái đất nóng lên, với lo ngại rằng các cộng đồng dễ bị tổn thương sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
CDP, một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu, đã phân tích dữ liệu của hơn 800 thành phố trên thế giới về tác động của môi trường và phát hiện ra rằng 43% các thành phố đó chưa có kế hoạch thích ứng với những thách thức của biến đổi khí hậu.
Với việc ngày càng có nhiều người đến sống ở các khu vực đô thị, CDP ước tính rằng đến năm 2030, khoảng 400 triệu người sẽ sống trong các thành phố thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng để thích ứng với môi trường.
Bà Mirjam Wolfrum, Giám đốc Chính sách châu Âu của CDP cho biết, có đến 93% các thành phố được đề cập đến trong báo cáo đang phải đối mặt với "các mối đe dọa đáng kể", trong khi 60% phải đối mặt với các vấn đề an ninh nguồn nước.
Năm mối nguy hiểm hàng đầu gồm lũ lụt, sóng nhiệt, mưa bão, những ngày cực kỳ nắng nóng và hạn hán, cùng với ô nhiễm không khí là những mối quan tâm lớn về sức khỏe.
Theo báo cáo của CDP, các chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu đang thực hiện ở các thành phố bao gồm trồng cây (20%), lập bản đồ lũ lụt (18%) và phát triển các kế hoạch quản lý khủng hoảng như hệ thống sơ tán (14%). Báo cáo cho biết các thành phố chịu trách nhiệm cho khoảng 70% lượng khí thải toàn cầu, các trung tâm đô thị cũng đang xem xét các kế hoạch như tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và cải thiện không gian xanh, cơ sở hạ tầng giao thông và tái chế.
Đầu tư cho tương lai
Theo thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015, các quốc gia đã đồng ý kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C, với mục tiêu hướng tới là 1,5 độ C. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó, thế giới đã phải chứng kiến một trong những năm nóng nhất được ghi nhận, trong khi mưa bão, lũ lụt và cháy rừng nghiêm trọng cũng đã ảnh hưởng đến các cộng đồng trên khắp hành tinh.
Trong một tín hiệu lạc quan, một số thành phố đang có những bước tiến nhanh hơn và đặt ra các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng hơn so với các chính phủ quốc gia, CDP cho biết, chẳng hạn như Hạt Santa Fe ở Mỹ, Greater Manchester ở Anh và Penampang ở Malaysia - thành phố đầu tiên ở Đông Nam Á đặt ra mục tiêu lượng phát thải bằng 0.
Số thành phố tham gia báo cáo hàng năm của CDP cũng đã có sự gia tăng đáng kể, với 812 thành phố được công bố vào năm 2020, so với chỉ 48 trong nghiên cứu đầu tiên vào năm 2011. Theo bà Wolfrum, điều này có thể là do những thay đổi về khí hậu ngày càng bộc lộ rõ nét.
“Giờ đây, các quan chức trong hội đồng thành phố có thể cảm nhận và nhìn thấy sự biến đổi này. Họ đã phải chi hàng tỷ USD cho các hiểm họa khí hậu, và tình trạng này ngày càng gia tăng”, bà Wolfrum cho biết.
Tuy nhiên, ngay cả với những thành phố có kế hoạch thích ứng với khí hậu cũng đang gặp khó khăn trong vấn đề tài chính, CDP nhận thấy, với 1/4 tổng số thành phố cho rằng thiếu hụt ngân sách là một rào cản để tiến tới hành động.
Trên toàn cầu, các thành phố cho biết cần ít nhất 72 tỷ USD để tài trợ cho các dự án môi trường đã được lên kế hoạch, với khoảng 3/4 trông đợi vào khu vực tư nhân để tài trợ và đổi mới.
Bà Wolfrum nhấn mạnh rằng đây là một khoản đầu tư cho tương lai, khi hành động sẽ mang lại lợi ích lớn hơn rất nhiều so với không hành động.
Ngân hàng Thế giới cho rằng, càng tập trung nhiều người và tài sản ở các trung tâm đô thị thì mức độ chịu rủi ro thiên tai và khí hậu càng lớn. Thiệt hại trung bình hàng năm trên toàn cầu do các thảm họa liên quan đến thời tiết và các thảm họa khác ở các thành phố được ước tính vào khoảng 314 tỷ USD vào năm 2015 và dự kiến sẽ tăng lên 415 tỷ USD vào năm 2030.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ )