Không được bỏ quên giải quyết nạn đói và suy dinh dưỡng trong thời kỳ đại dịch COVID-19 đang hoành hành. Ảnh minh họa: Reuters/Thanh Niên

Tác động của đại dịch COVID-19 đối với nạn đói và suy dinh dưỡng là mối quan tâm sâu sắc đối với giới chuyên gia dinh dưỡng, đặc biệt là do các nước đang muốn tập trung nhiều hơn vào cuộc chiến giải quyết đại dịch mà bỏ qua vấn đề về đói ăn và suy dinh dưỡng.

Theo Giám đốc điều hành của Liên minh Toàn cầu về Cải thiện Dinh Dưỡng (GAIN) Lawrence Haddad, đại dịch đã phá vỡ hệ thống lương thực, thể hiện qua việc ngày càng nhiều loại thực phẩm không thể đưa ra thị trường; mất việc làm tăng do nhiều công ty không thể hoạt động; cùng với đó là sự gián đoạn trong hệ thống y tế vì hầu hết các bệnh viện đang gặp khó khăn để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Riêng nạn đói và suy dinh dưỡng đã và đang xuất hiện rõ ràng hơn do ngày càng nhiều người không thể tiếp cận với các loại thực phẩm thiết yếu, cũng như thực phẩm tươi sống có hàm lượng dinh dưỡng cao. Trẻ em và phụ nữ mang thai và các bà mẹ trẻ cũng đang thiếu khả năng tiếp cận với các dịch vụ dinh dưỡng cần thiết.

Dữ liệu mới cho thấy, khả năng trong 18 tháng tới, số người bị đói sẽ lên đến 780 triệu trên toàn thế giới, cao hơn nhiều so với mức 690 triệu người như số liệu ghi nhận hiện nay. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) thậm chí còn dự báo rằng ngay cả khi không có đại dịch, sẽ có 840 triệu người bị đói vào năm 2030.

Trên toàn cầu, số trẻ em gầy còm và thấp còi dự kiến sẽ tăng lần lượt 9 triệu và 2 triệu người trong vòng 2 năm tới, xóa sổ sự sụt giảm đã đạt được của các năm trước.

Trước mối đe dọa nghiêm trọng về tình trạng suy dinh dưỡng do đại dịch gây ra, cần phải có những nỗ lực khẩn cấp và liên tục để giải quyết bằng chương trình tăng cường thực phẩm thiết yếu (LSFF) quy mô lớn hiện có trên toàn cầu. Theo Giám đốc Lawrence Haddad, đây là một trong những chương trình quy mô lớn hiệu quả nhất khi nhắc về chi phí để chống lại suy dinh dưỡng, bởi các chất cần thiết như kẽm, iot, sắt có sẵn trong gạo, thịt, dầu ăn... mà mọi người vẫn tiêu thụ hằng ngày.

Bổ sung thực phẩm cần thiết là đặc biệt quan trọng trong thời đại dịch, vì sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại nhiều bệnh, từ đó tăng tác động của đại dịch COVID-19.

Những nỗ lực về vận động và giáo dục cũng rất quan trọng để mọi người hiểu được tầm quan trọng của LSFF giữa và sau đại dịch. Thêm vào đó, không chỉ chính phủ, khu vực tư nhân cũng có thể đóng góp công sức bằng cách thúc đẩy quảng bá lợi ích của thực phẩm tăng cường dinh dưỡng, nghiên cứu cách thức tốt hơn để bổ sung dinh dưỡng vào thực phẩm như đầu tư vào hệ thống và thiết bị để bổ sung dinh dưỡng.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ Jakarta Post)