Tuy nhiên, trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay, dưới sự chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, học sinh toàn tỉnh được nghỉ học bắt đầu từ ngày 8/5/2021 cho đến khi có thông báo đi học trở lại. 

Trong mùa tuyển sinh 2021 này, để giúp các em “cán đích” một cách tự tin, tránh những sai sót, nhà trường, thầy cô và các em cần lưu tâm một số điều sau:

Các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh: H.Phúc

Thứ nhất, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để giúp các em học sinh vừa phòng dịch vừa ôn tập hiệu quả đòi hỏi các nhà trường dưới sự chỉ đạo của ngành giáo dục chủ động thực hiện các hình thức ôn tập cho học sinh, đặc biệt là các em học sinh lớp 12 chuẩn bị thi Tốt nghiệp THPT sao cho phù hợp: có thể bằng hình thức dạy học online; dạy học gián tiếp bằng cách gửi bài, gửi đề cho học sinh tự ôn tập hoặc sử dụng những bài dạy trên truyền hình được đăng tải trên trang mạng của ngành giáo dục, của đài phát thanh và truyền hình Thừa Thiên Huế…

Hình thức ôn tập được nhiều giáo viên lựa chọn là ôn tập bằng hình thức online để có thể kết nối, tương tác với học sinh, học sinh có thể trao đổi trực tiếp với giáo viên những vướng mắc khi gặp phải trong quá trình ôn tập. Trong thời gian nghỉ học này, giáo viên cần hướng dẫn cho các em phát huy hiệu quả của phương pháp tự học. Hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, việc thực hiện ôn tập trực tuyến cho học sinh được thực hiện dễ dàng và hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhà trường cần phân loại các nhóm đối tượng học sinh để tổ chức ôn tập cho phù hợp, không gây quá tải, bảo đảm sức khỏe cho các em. Riêng đối với những học sinh đã hoàn thành chương trình Trung học phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông nhưng chưa tốt nghiệp nếu có nguyện vọng ôn tập thì nhà trường cần chủ động tổ chức ôn tập phù hợp với điều kiện thực tế. Mặt khác, nhà trường cần rà soát các đối tượng học sinh gặp khó khăn trong học tập, từ đó vận động giáo viên hỗ trợ cho học sinh nhằm tạo điều kiện giúp đỡ các em hoàn thành tốt kỳ thi.

Về phía học sinh, các em cần tận dụng thời gian để cùng thầy cô hoàn thành chương trình học tập cuối khóa một cách tốt nhất. Thời điểm hiện tại, hơn bao giờ hết các em phải luôn đồng hành cùng thầy cô và nhà trường vượt qua mọi thách thức, khó khăn trong học tập và ôn thi. Phương pháp tự học sẽ phát huy hiệu quả nếu các em có ý thức học tập và nỗ lực vượt qua khó khăn.

Thứ hai, các em phải thật cẩn thận khi làm hồ sơ mặc dù được điều chỉnh nguyện vọng. Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) có quy định đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng bằng hình thức trực tuyến. Do đăng ký hồ sơ trực tuyến nên các em cần chuẩn bị hết sức kỹ các thông tin cá nhân, số điện thoại, mật khẩu, mã ngành, mã trường… các em cần hỏi kỹ người hướng dẫn để không bị sai sót. Bên cạnh đó, sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần, thay vì chỉ một lần duy nhất như năm 2020. Tuy vậy, theo khuyến cáo của các nhà quản lý giáo dục, các em vẫn cần suy nghĩ thật kỹ trước khi điều chỉnh vì 3 lần chưa chắc đã giúp các em chọn đúng ngành nghề nếu như không có sự cẩn thận.

Thứ ba, hiện nay các trường đại học đã tự chủ trong việc tuyển sinh nên có rất nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Theo quy định của Bộ GD & ĐT, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng xét tuyển, các trường sẽ xét tuyển từ cao xuống thấp. Nhưng, các em phải lưu ý chỉ được trúng duy nhất một nguyện vọng. Do vậy cần sắp xếp nguyện vọng mà mình mong muốn nhất lên đầu và các nguyện vọng còn lại theo thứ tự. Sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến trên hệ thống. Thí sinh phải có số điện thoại đăng ký trên hệ thống mới được điều chỉnh nguyện vọng. Mọi thông tin phải hoàn toàn chính xác.

Các em cần phải tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc. Thực tế mùa tuyển sinh những năm trước cho thấy, nhiều thí sinh không đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường đại học nên mới có tình trạng tưởng trúng tuyển hóa trượt. Ví dụ như mùa tuyển sinh 2020 vừa qua, hàng chục thí sinh đỗ theo kết quả thi tốt nghiệp THPT vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng bất ngờ nhận thông báo không đủ điều kiện trúng tuyển. Nguyên nhân của tình trạng này là do thí sinh đủ điểm trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT nhưng không đủ điểm học bạ.

Thứ tư, đối với phương án xét tuyển học bạ ở các trường Đại học, nhất là trường ngoài công lập, các em cần lưu ý: Hình thức xét tuyển học bạ linh hoạt (3 kỳ hoặc 5 kỳ) ở một số trường sẽ giúp các em có thể nắm suất vào đại học sớm khi còn đang học lớp 12. Nhiều học sinh cho rằng mình đã đậu đại học nên có tâm lý chủ quan, lơ là, sao nhãng việc học tập. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng: Xét tuyển đại học thì đã “đỗ” nhưng Tốt nghiệp thì “rớt” nên không đủ điều kiện cơ bản để theo học Đại học. Hiện nay, các trường cao đẳng, đại học có rất nhiều phương thức tuyển sinh, tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù chọn phương thức nào, các em cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên khả năng, sở thích để đăng ký xét tuyển ngành học phù hợp, tránh tâm lý chọn đại một ngành để vào Đại học.

Mùa tuyển sinh năm 2021 chính thức được khởi động, thu hút sự quan tâm đặc biệt của ngành giáo dục cũng như toàn xã hội. Trong không khí khẩn trương, nghiêm túc của toàn xã hội phòng chống dịch bệnh Covid-19, ngành giáo dục thực sự khó khăn khi vừa chống dịch vừa chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng. Thiết nghĩ, những nỗ lực, tâm huyết của nhà trường, thầy cô giáo trong việc giảng dạy, ôn tập cho các em học sinh cũng như sự chuẩn bị kỹ càng, sự phấn đấu, quyết tâm cao của mỗi học sinh sẽ góp phần mang lại thành công cho kỳ thi Tốt nghiệp và mùa tuyển sinh cao đẳng, đại học năm nay.

Nguyễn Thị Hoa Phượng