Bạn tôi có cô con gái học lớp 11, đang chuẩn bị thi ba môn còn lại bằng hình thức trực tuyến. Con bé học giỏi nên tự tin nói với mẹ sẽ tự lực làm bài mà không cần trợ giúp. Trưa thi xong, mặt nó buồn xo, điểm con không cao lắm do lúng túng khi chưa quen làm bài thi theo hình thức này. Tự tìm hiểu, rồi nó lại an ủi, điểm thấp nhưng tự làm, chứ nhiều bạn nhờ người trợ giúp hoặc tra cứu bài tập trên mạng không đúng với năng lực, bạn bè lại xì xào…
Không thể phủ nhận ưu điểm của phương pháp học trực tuyến, song tổ chức một kỳ thi chưa có tiền lệ như thi trực tuyến khiến “kẻ mừng, người lo”. Phụ huynh lo khi con không sử dụng thành thạo công nghệ sẽ ảnh hưởng đến quá trình làm bài, nhưng cũng có người lại muốn trợ giúp để con nâng điểm số. Không ít phụ huynh cho rằng, thi trực tuyến nếu chưa có phần mềm quản lý chặt chẽ, ai cũng có thể hỗ trợ con, nếu “thiệt thà” quá sẽ bị thiệt thòi.
Học sinh đã quen với hình thức học online
Vẫn biết hình thức thi trực tuyến là giải pháp tình thế hiện nay nhưng theo nhiều giáo viên, điểm thi chưa phản ảnh đúng năng lực của các em. Có em học lực tốt nhưng điểm thi không cao và ngược lại. Theo thăm dò của chúng tôi, nhiều em nhờ sự trợ giúp của người thân, song một số trường có nền tảng kỹ thuật, quy chế phòng thi… chặt chẽ đã giảm thiểu tối đa gian lận trong thi cử.
Tại các trường, hầu như tình trạng học sinh rớt mạng, không có phương tiện để thi rất ít và đã khắc phục được. Thầy giáo Nguyễn Vinh Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Điền cho hay, đến ngày 17/5, nhà trường mới tổ chức thi trực tuyến cho các em. Chúng tôi đã cài đặt những phần mềm để quản lý phòng thi và phát hiện gian lận trong thi cử để đảm bảo công bằng cho các em”.
Để tránh tình trạng trao đổi trong làm bài, trong phần mềm thi, nhiều trường đã cài đặt hệ thống đề thi. Mỗi thí sinh sẽ nhận 1 đề thi riêng, trật tự câu hỏi khác nhau. Ở các môn trắc nghiệm, các cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm xáo ngân hàng đề và cung cấp tài khoản, giới hạn thời gian làm và nộp bài của thí sinh. Điều này giúp hạn chế tối đa việc thí sinh có thể trao đổi bài.
Em Lê Ngọc Quỳnh An, học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng cho biết, giáo viên đã phổ biến rất rõ quy định phòng thi với thí sinh, nếu mở hai lần trình duyệt sẽ vi phạm quy chế thi. Đề thi được khống chế thời gian nộp, tùy môn nhưng trong vòng 30 phút phải làm xong 20 câu, nếu tập trung, em vẫn còn thời gian dò lại bài”.
Ông Lê Triều Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội cho hay: "Sau khi nghiên cứu nhiều phương án, các thầy cô trong trường thống nhất chọn cách thức ra đề thi online trên phần mềm đã có sẵn. Điều này hạn chế phần nào việc học sinh có thể mở tài liệu hay gửi dữ liệu cho người khác, nhưng đó chỉ là phương án tối ưu nhất chứ cũng không thể đảm bảo chắc chắn không có gian lận. Thi trực tuyến, chúng ta phải chấp nhận một chừng mực nào đó", ông Sơn nhấn mạnh.
Kiểm tra học kỳ bằng hình thức trực tuyến như hiện nay chưa thể đảm bảo khách quan. Hiệu trưởng các trường cũng khó có thể giải được bài toán dùng phầm mềm thi nào đảm bảo khách quan, trung thực. Ông Sơn cho hay, chúng tôi phải xây dựng phần mềm tốt để quản lý học sinh, còn điểm thi của các em bao nhiêu thì phải được công nhận. Riêng trường hợp bị sự cố kỹ thuật trong khi làm bài sẽ cho các em thi lại.
Muốn có sự công bằng khách quan, ngoài sử dụng công nghệ để quản lý lớp học trên không gian mạng, còn phải phụ thuộc vào chính ý thức của học sinh và suy nghĩ của phụ huynh. Thế nên, các trường chỉ biết kêu gọi sự tự giác của mỗi học sinh và sự vào cuộc của phụ huynh. Phụ huynh cần hướng cho con cách để trung thực trong kiểm tra, thay vì tìm các giải pháp hỗ trợ đáp án trong lúc con làm bài thi.
Bài, ảnh: Huế Thu