Không chỉ SEA Games, mục tiêu của Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (áo đỏ) còn là những nội dung Olympic

Nhớ một mùa “vàng”

Những năm 2000, thể thao Huế xác định 3 môn thể thao mũi nhọn là bóng đá, cờ vua và Karatedo. Điều này dựa trên tiềm năng cũng như thực tế của thể thao tỉnh nhà lúc đó khi có một đội ngũ HLV, VĐV tài năng, như: Lê Văn Thạnh, Lê Văn Lộc, Hà Kiều Trang, Bùi Tiến Thành... (Karatedo), hay Bảo Tài, Nguyễn Thị Thuận Hóa, Hoàng Thị Bảo Trâm, Hoàng Xuân Thanh Khiết, Nguyễn Thanh Sơn... (cờ vua). Còn với bóng đá, dù có lên hạng, xuống hạng nhưng Huế những năm đó vẫn là một đội bóng khá mạnh của khu vực miền Trung – Tây Nguyên cũng như cả nước...

Tại SEA Games 22, VĐV của Thừa Thiên Huế góp mặt ở các đội tuyển bóng đá nam, cờ vua, Karatedo và điền kinh. Những ngày cuối năm 2003, tin vui tới tấp bay về từ Hà Nội khi các VĐV của Huế được xướng danh ở bục cao nhất.

Niềm hy vọng lớn nhất của thể thao Huế năm đó chính là VĐV Karatedo Hà Kiều Trang, bởi Trang đã có thành tích nổi bật với 1 HCV hạng cân 60kg tại SEA Games 20, 1 HCV đồng đội Kumite tại SEA Games 21. Tại SEA Games 22, cô gái vàng xứ Huế đã gây bất ngờ lớn khi giành 1 HCV đồng đội và 1 HCV cá nhân nội dung Kumite cũng ở hạng 60kg. Cùng với Hà Kiều Trang, 1 VĐV khác của Huế là Bùi Tiến Thành cũng giành HCV nội dung Kumite đồng đội nam.

Hồ Thanh Minh (11) - niềm hy vọng của bóng đá Cố đô nếu được góp mặt tại SEA Games 31

Ở môn cờ vua, nữ kỳ thủ Hoàng Thị Bảo Trâm cũng xuất sắc giành  2 HCV ở nội dung cờ nhanh và cờ tiêu chuẩn. Có thể nói, đây là thành tích được dự báo trước bởi trước đó, Trâm đã từng đạt giải cao ở giải cờ vua thế giới và vô địch cờ vua châu Á.

Nhưng thành tích bất ngờ nhất của thể thao Cố đô tại SEA Games 22 chính là chiếc HCV của nữ VĐV điền kinh Đỗ Thị Bông. Cô gái quê lúa Phú Vang với những bước chạy đầy tốc độ đã chinh phục đường đua quan trọng của môn thể thao nữ hoàng là cự ly 800m, đồng thời, thiết lập nên kỷ lục SEA Games mới ở cự ly này...

Một chút tiếc nuối là ở đội tuyển U23, hậu vệ cánh trái Lê Văn Trương đã bị 2 thẻ vàng và không thể cùng các cầu thủ chủ nhà thi đấu trận chung kết gặp U23 Thái Lan. Sự vắng mặt đáng tiếc của Trương được cho là yếu điểm của U23 Việt Nam trong thất bại của U23 Việt Nam trước U23 Thái Lan...

Hy vọng sân nhà 

Sau mùa “vàng” rực rỡ tại Hà Nội, các VĐV Thừa Thiên Huế tiếp tục khẳng định tài năng của mình ở đấu trường khu vực. Tiêu biểu là VĐV Trần Thị Yến Hoa với HCV 100m rào nữ SEA Games 29 - 2017. Đây là chiếc HCV 100m rào quý giá của điền kinh Việt Nam sau 22 năm, kể từ khi Vũ Bích Hường đăng quang tại SEA Games 18 - 1995.

Gần đây nhất, tại SEA Games 30, VĐV Nguyễn Thị Mỹ Hạnh của tuyển vật Huế đã cho thấy đẳng cấp ở hạng 62kg nữ khu vực Đông Nam Á khi đóng góp cho đoàn thể thao Việt Nam 1 HCV nội dung vật tự do. Cô gái quê ở Quảng Điền cũng là VĐV đầu tiên mang HCV SEA Games cho tuyển vật Huế...

Tại SEA Games 31 diễn ra vào cuối năm nay, với tư cách là nước chủ nhà, thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu đứng đầu bảng tổng sắp và mục tiêu sẽ giành vị thế áp đảo ở những môn thể thao Olympic. Ở đó, VĐV Nguyễn Thị Mỹ Hạnh tiếp tục là niềm hy vọng “vàng” cho thể thao Việt Nam nói chung, thể thao Thừa Thiên Huế nói riêng.

Sau khi giành HCV tại giải vô địch Judo quốc gia 2021, VĐV Dương Thị Quỳnh Như cũng đã có 1 suất tham dự SEA Games 31. SEA Games 30 - 2019, Quỳnh Như giành HCĐ môn Sambo. Đây thực sự là một VĐV giàu tiềm năng của thể thao Huế cũng như Việt Nam tại SEA Games năm nay.

Một niềm hy vọng nữa của thể thao Cố đô tại SEA Games 31 là tiền đạo Hồ Thanh Minh, người liên tục được HLV Park Hang-seo gọi lên tập trung đội tuyển U22. Sau Lê Đức Anh Tuấn, Lê Văn Trương của các kỳ SEA Games trước, đến lượt Hồ Thanh Minh được kỳ vọng sẽ mang lại niềm vui cho những người yêu bóng đá Huế. Hơn thế nữa, nếu được thầy Park tin tưởng, Hồ Thanh Minh sẽ là niềm hy vọng “vàng” của môn bóng đá, điều mà cả Anh Tuấn và Văn Trương vẫn chưa thực hiện được...

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG