Nhà báo Vĩnh Lộc (thứ 2 từ trái sang) và các tác giả nhận Huy chương vàng thể loại phóng sự. Ảnh: Hoàng Quân

Liên hoan Truyền hình toàn quốc (LHTHTQ) lần thứ 34 bế mạc tối 20-12 tại Huế. Ban tổ chức đã trao 31 Huy chương vàng và 63 Huy chương bạc (trong tổng số 513 chương trình, tác phẩm dự thi) thuộc 9 thể loại, gồm: Chương trình dành cho thiếu nhi; Phim tài liệu; Phóng sự; Chuyên đề - khoa giáo; Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm; Truyền hình tiếng dân tộc thiểu số; Ca múa nhạc; Phim truyện truyền hình, Sân khấu. VTV Huế xuất sắc giành 5 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Vàng tại Liên hoan. LHTHTQ lần thứ 35-2015 sẽ diễn ra ở tỉnh Quảng Bình.

Đó là một đoạn lời bình trong phim phóng sự “Chúng tôi cũng là chiến sĩ” của nhóm tác giả: Vĩnh Lộc - Mạnh Thường - Anh Tú (VTV Huế) vừa được trao Huy chương vàng tại Liên hoan phim truyền hình toàn quốc lần thứ 34 vừa kết thúc tối 20-12-2014 tại Huế.

Khác với tin tức cập nhật đưa về trong những ngày hè nóng bỏng ở vùng biển Hoàng Sa, nhờ có sự kết hợp giữa Mạnh Thường (Phòng chính trị Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1) và Vĩnh Lộc, Phóng viên thời sự của VTV Huế, bằng “cảm thức” của mình, các tác giả đã vượt qua sợ hãi bởi sự uy hiếp và đe dọa của tàu hải cảnh và máy bay Trung Quốc, của sóng dữ giữa trùng khơi... và thông qua hình ảnh của Anh Tú để khắc họa chân dung của những người Cảnh sát biển, dù hoàn cảnh mỗi người mỗi khác nhưng vững vàng khi đối mặt với hiểm nguy, hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó.
Có người như Thượng úy Phạm Thế Anh, vợ bị u nang tuyến giáp, do phải gấp gáp ra Hoàng Sa nên đã không kịp đưa vợ đi khám. Là Thiếu tá Nguyễn Văn Thuận, con bị hở van tim, được cộng đồng chia sẻ đã kịp đưa cháu đi phẫu thuật.
Bao trùm tất cả là sự yêu thương, đùm bọc của hậu phương.
Lúc biển tạm yên, xuống hầm tàu, cánh làm báo mới thấm nỗi vất vả của những người trực máy. Trong khi ở trên boong thoáng đãng, thì dưới hầm những cán bộ, chiến sĩ trực máy vẫn miệt mài làm việc. Dù phải sống trong môi trường oi bức và ít được nghỉ ngơi nhưng nói như Thiếu úy Phan Văn Hoàn, phụ trách kíp trực máy: “Tôi rất vinh dự được làm nhiệm vụ điều khiển buồng máy này”.
Nhân ngày gia đình Việt Nam (28-6), Bếp trưởng tàu CSB8003, Trung úy Vũ Văn Kiên thết đãi binh sĩ và anh em làm báo thêm món nem rán. Không khí thật ấm cúng, khi cánh nhà báo cùng chiến sĩ đều vào bếp chung tay.
Phóng sự không dùng nhiều hình ảnh đã phát sóng mà tập trung khắc họa nét lạc quan, yêu đời và sự kiên gan bền chí của người Cảnh sát biển để sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Điều ít thấy khi xảy ra ở vùng biển Hoàng Sa trong mùa hè vừa qua.
Để có phóng sự đặc sắc này, Vĩnh Lộc bất ngờ được giao nhiệm vụ đi tác nghiệp ở Hoàng Sa. Và nhóm của anh rời vùng hiểm nguy sau cùng khi dàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã rút.
Sau hơn 3 tuần bám biển Hoàng Sa, anh nung nấu phải làm một cái gì đó, dù lúc đó chưa định hình.
“Làm phim này cũng vậy, nó gấp gáp lắm. Giám đốc Văn Công Toàn chỉ “lệnh” trước vỏn vẹn chỉ có 5 giờ. Nhưng nhờ ấp ủ đề tài đã lâu, lại được đồng nghiệp động viên, đặc biệt là khi gặp nhau lần đầu trên tàu, tôi và anh Mạnh Thường đã chủ động bàn nhau cùng hợp tác nên phim hoàn thành rất nhanh” - Vĩnh Lộc cho biết.
Nhờ sự hợp tác này mà trong phóng sự người xem được chứng kiến cảnh 3 nhà báo Pháp, đó là: Bruno Raymond Philip (báo Le Monde), Philippe Alfred Reltien (Radio France) và Võ Trung Dung (Kênh truyền hình TV5) cùng hát bài “Một con thuyền nhỏ”, góp vui cùng cán bộ, chiến sĩ của tàu CSB 8003 khi đang làm nhiệm vụ ở vùng biển Hoàng Sa.
Nhà báo Bruno Raymond Philip đã nhận xét về đồng nghiệp Việt Nam: “Họ là những người dũng cảm. Họ tác nghiệp không khác gì người lính!”
Liên tục theo dõi các bản tin về Hoàng Sa giữa mùa hè 2014 nóng bỏng và bây giờ được xem phóng sự này, tôi đồng tình với lời bình của phim:
“Những phóng viên báo chí, những đồng nghiệp của tôi đã trở thành những người lính thực thụ khi được sống trên mặt biển Hoàng Sa, hít thở không khí của Hoàng Sa để cho ra đời những bản tin nhanh, những hình ảnh, những phóng sự nóng hổi được thực hiện từ thực địa liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần làm cho nhân dân cả nước và dư luận quốc tế thấy được những gì đang diễn ra nơi đây một cách trung thực nhất, khách quan nhất”.
Hạnh phúc của người làm báo là được thông tin nhanh nhất về sự kiện mà mọi người quan tâm.
Trong hơn 3 tuần tác nghiệp ở Hoàng Sa, nhóm phóng viên của VTV Huế đã làm được điều ấy và phần thưởng cao nhất của LHTHTQ lần này dành cho tác phẩm của họ là xứng đáng.
Hữu Thu