Video quảng cáo các phương thuốc gia truyền tràn lan trên mạng xã hội

Ám ảnh “thần y 3 đời”

Đang xem bộ phim hay, nghe bản nhạc thư giãn thì bỗng nhiên chèn ngang nội dung “nhà tôi ba đời làm thuốc gia truyền”, "tôi cam kết chữa khỏi 100%”… khiến nhiều người hụt hẫng. 

Mà không chỉ một lần và thời lượng dài đến mấy phút, buộc người xem phải miễn cưỡng tiếp nhận. Đáng lo là những video clip quảng cáo này thiếu sự thẩm định nhưng lại tràn lan, gieo rắc tai ương cho những ai cả tin, thiếu thông tin đã trót mua hàng.

Trước đây, các nhà thuốc hay những vị “lương y” như thế này đã từng “làm mưa, làm gió” trên Facebook, sau khi bị Facebook khóa tính năng quảng cáo thì “cơn bão” thần y 3 đời lại đổ bộ lên ứng dụng Youtube. Câu cửa miệng của các nhà thuốc, vị lương y, thần y trên Youtube luôn là “nhà tôi 3 đời chuyên chữa trị bệnh", từ sỏi thận đến xương khớp và cả… COVID -19; đồng thời khẳng định sẽ chữa trị khỏi 100%, lại còn cam kết sẽ hoàn trả lại tiền nếu chữa trị không khỏi, nhằm đánh vào tâm lý của người bệnh.

Điều người xem dễ bị lừa là video clip được dàn dựng hoành tráng với cảnh bệnh nhân đến khám chữa bệnh đông nghìn nghịt, “bác sĩ”, “lương y” tận tình bắt mạch, bốc thuốc hoặc là người bệnh sau khi được chữa khỏi đã nhiệt tình giới thiệu lại công năng, đặc trị của bài thuốc,… của đội ngũ "diễn viên" được thuê mướn.

Mới đây, VTV 24h đã vạch trần hậu kỳ của một video clip bán thuốc thần kỳ khi mà đạo cụ là kết quả khám chữa bệnh của một cơ sở y tế được các đối tượng tự tạo ra, thậm chí các “diễn viên” còn giả chữ ký của bác sĩ hay làm giả giấy tờ của các bệnh viện có uy tín, các đối tượng diễn theo kịch bản chuyên nghiệp, công phu “đến đoạn này thì chị ngã cho em, ngã như thật ấy” trong khi người này hoàn toàn khỏe mạnh. Hay như chia sẻ của bác sĩ Ngô Đức Hùng, Bệnh viện Bạch Mai đột nhiên nhận ra ông bác sĩ đang mặc áo bluse trắng trên Youtube kia là ông hàng xóm làm cơ khí cạnh nhà mình dưới quê.

Một mô típ khác của các thể loại video quảng cáo này đó là lợi dụng uy tín của những người nổi tiếng, các cơ quan truyền thông, báo chí chính thống để đánh lừa người xem như tạo dựng, cắt ghép các chương trình về y tế, sức khỏe của các báo đài, giả mạo y bác sĩ nổi tiếng, có trình độ y học cao, thậm chí là giả mạo quân nhân, cựu chiến binh, nghệ sĩ,… tham gia; ngụy tạo nhiều loại giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương khác nhau. Chuyên nghiệp hơn, các đối tượng còn dàn dựng làm phóng sự với người dẫn chương trình, lồng ghép logo các kênh truyền hình như VTV, VCTV… hoặc tự bịa ra logo với thể thức, màu sắc, kích thước như các kênh chính thống.

Để thu hút sự quan tâm của người xem đối với một sản phẩm thuốc chữa bệnh nam khoa, nhân vật trong video quảng cáo xuất hiện với trang phục gợi cảm, nội dung câu từ xoay quanh, diễn tả việc quan hệ tình dục nam nữ, khiến nhiều người lớn khi bắt gặp phải đỏ mặt, kèm với đó là sự lo lắng khi trẻ em phải xem những video clip không phù hợp với lứa tuổi.

Tiền mất, tật mang

Gần đây, nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch do sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận hàng chục bệnh nhân trong đó có bệnh nhân nam 63 tuổi suy đa phủ tạng, suýt ngừng tim chỉ vì uống một loại thuốc viên không rõ nguồn gốc mua trên mạng để chữa trị bệnh tiểu đường. Qua xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân đã ngộ độc thuốc Phenformin-một chất đã bị cấm từ thập niên 70 trong điều trị bệnh tiểu đường. Cũng tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có trường hợp nữ bệnh nhân 25 tuổi, men gan cao gấp 20 lần bình thường chỉ vì đã tin mua trên mạng xã hội và uống loại thuốc nam để sinh được con trai do trước đó đã có 2 con gái.

Nhiều người tin theo những lời quảng cáo thuốc chữa bệnh có cánh mà đã phớt lờ đi những kiến thức y tế sơ đẳng như thay vì sát trùng vết thương, cầm máu và đi cơ sở y tế thăm khám thì lại mua dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, công dụng trên internet để rồi nhận hậu quả nghiêm trọng như trường hơp của 2 bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức bị hoại tử da do dùng thuốc nam “3 đời”, đến lúc này thì lời hứa “hoàn lại tiền” như cam kết chắc chắn không thể thực hiện được.

Theo nhiều bác sĩ đông y trên địa bàn cho biết, quy trình khám chữa bệnh của đông y rất chặt chẽ, phải thăm khám trực tiếp với bệnh nhân mới đưa ra kết luận, còn đối với lời cam kết chữa khỏi 100% theo các bác sĩ đông y và tây y là không có cơ sở khoa học. Nhiều người cho rằng các loại thuốc do các đối tượng có thể là các loại thuốc đông y đã qua sử dụng, hàng không đảm bảo chất lượng được nhập lậu về Việt Nam; hoặc chỉ là các loại thực phẩm chức năng không phải là thuốc chữa bệnh và không phải ai cũng tùy tiện uống được.

Trên phương diện pháp luật, hành vi các đối tượng thầy thuốc online này đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động khám chữa bệnh như không có giấy phép hành nghề, giấy phép kinh doanh, mạo danh cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để trục lợi; quảng cáo sai sự thật, buôn bán hàng hóa, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần,…

Trước tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông,… kiểm tra, xác minh, có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp để chấm dứt tình trạng loạn “thần y” tự xưng trên internet hiện nay. Tuy nhiên, hơn hết mọi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác đối với việc chăm sóc sức khỏe trước những lời mời chào khám chữa bệnh trên internet, tránh “tiền mất tật mang”.

Bài, ảnh: HOÀI NHÂN