ClockThứ Năm, 02/07/2020 11:05

A Lưới thu gom pin cũ

TTH - Việc vứt bỏ một viên pin qua sử dụng ra môi trường đôi khi vẫn chỉ là một thói quen nhỏ, nhưng tác hại của nó quả thật đã đến lúc phải báo động…

Sáng tạo để bảo vệ môi trường

Các thùng thu gom pin thải tại Phòng TNMT huyện A Lưới

Bước vào trụ sở UBND xã Hồng Bắc (A Lưới), đập vào mắt chúng tôi là những thùng ghi dòng chữ “Thùng thu gom pin thải” với màu sắc bắt mắt. Đây là những thùng gom rác thải khó tan đầu tiên được Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện triển khai ở các xã.

Anh Hồ Ten, một người dân sinh sống tại xã Hồng Bắc, cho biết “Trước đây, tôi thường ném những cục pin bỏ ra nương, nhưng từ cuối năm ngoái, khi mà đài truyền thanh của xã thường xuyên nói về các tác hại của pin khi chôn xuống đất hay khi đốt thì tôi đã chọn cách bỏ nó vào bì ni lông, cất đó đợi thùng thu gom mà huyện bảo sẽ phát về…”. Anh cười tươi tắn, tay giơ cao những viên pin đã qua sử dụng có lẽ được dồn khá lâu.

Chiến dịch thu gom pin thải ở Hồng Bắc được triển khai từ năm 2019, thông qua các chương trình của  đài truyền thanh xã tuyên truyền về tác hại của pin đã qua sử dụng. Họp thôn, cán bộ cũng phân tích rõ tác hại của pin… Việc cất những viên pin qua sử dụng rồi đưa đến điểm thu gom tại UBND xã đã và đang dần thành thói quen của người dân xã Hồng Bắc. Điều này không chỉ xảy ra ở riêng xã Hồng Bắc, mà là phong trào chung ở cả 18 xã và thị trấn A Lưới. Như anh Hồ Ten nói, nghe mãi nên nhớ, thấy một viên pin nhỏ xíu cũng cẩn thận cất kỹ để chờ bỏ vào thùng gom…

Tại xã Hồng Kim, ông Hồ Thanh Dũng, Chủ tịch UBND xã tự hào: “Việc tuyên truyền này đã bắt đầu từ cuối 2019, đến nay người dân đều đã biết về tác hại của pin thải đối với môi trường, vì thế ai cũng tự giác cất những viên pin đã qua sử dụng vào nơi khô ráo, xa tầm tay trẻ em rồi chờ đưa đến điểm thu gom. Khi biết tin các thùng thu về đến xã thì người dân tự bỏ pin vào thùng ”.

Trước đây, người dân A Lưới phần đông chưa biết tác hại đến từ pin và ắc-quy khi đã qua sử dụng nên bỏ chung với rác thải sinh hoạt hoặc vứt bừa bãi. Để tránh tác hại từ những viên pin cũ, Phòng TNMT huyện A Lưới ngoài công tác tuyên truyền giáo dục, vận động người dân không vứt bừa bãi, từ tháng 8/2019 đã triển khai chiến dịch thu gom pin thải tại các xã và thị trấn thuộc địa bàn huyện A Lưới. Theo đó, yêu cầu bà con gom pin vào hộp nhựa, hộp giấy, bảo quản tạm thời ở nơi khô ráo, cách xa tầm tay trẻ em để đưa đến điểm thu, sau đó Phòng TNMT phối hợp cơ quan có chức năng xử lý.

Ông Hồ Dũng, Trưởng phòng TNMT mong mỏi: “Việc thu gom pin đã qua sử dụng bảo vệ môi trường sống không bao giờ là muộn. Chúng tôi hy vọng từ chiến dịch này, người dân sẽ hiểu được tác hại từ pin thải để chủ động trừ bỏ nguồn độc hại”. Ông Dũng cho rằng, do thời gian đặt thùng còn ngắn và nhận thức của người dân không đồng đều nên số lượng pin bỏ thùng chưa nhiều. Tuy nhiên, những thùng thu gom pin có màu sắc bắt mắt và những thông tin từ tờ rơi, truyền thông… đã tạo được sự quan tâm của người dân ở các bản các thôn, người dân đã dần có ý thức về tác hại của việc xử lý pin cũ không đúng cách. Đó là một dấu hiệu tốt, nhất là với một vùng miền núi như A Lưới.

Sắp tới, Phòng TNMT sẽ đặt thêm hai điểm thu gom tại chợ A Lưới và chợ Bốt Đỏ và chiến dịch thu gom pin thải chỉ là bước đầu trong công cuộc thu gom xử lý rác thải sinh hoạt gây hại của huyện A Lưới.

Pin với cấu tạo gồm các kim loại nặng (chì, thủy ngân, kẽm, cadmium, lithium, …) nếu chôn lấp hay đốt sau khi sử dụng, các kim loại nặng này sẽ thấm vào đất, vào nguồn nước ngầm, gây ô nhiễm nguồn nước hoặc khí độc bay lên… khiến con người dễ bị nhiễm độc chì, nhiễm độc kẽm, thủy ngân… Chiến dịch thu gom pin thải với khẩu hiệu “Bỏ pin cũ vào hộp, hành động nhỏ, ý nghĩa lớn” ở A Lưới là rất cần thiết.

Bài, ảnh: Phạm Phước Châu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tay đào, tay xoài

Rẽ vào con đường nhỏ gần chợ thị trấn A Lưới, khu vườn của ông Đào Trọng Ninh khiến nhiều người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ít ai biết được có cơ ngơi như ngày hôm nay là hành trình hơn 20 năm gắn bó gieo mầm xanh trên vùng đất này.

Tay đào, tay xoài
A Lưới đảm bảo điều kiện thoát nghèo trong năm 2024

Sau 2 năm (2022 - 2023) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), đến nay “bộ mặt” huyện A Lưới đã có nhiều khởi sắc, công tác giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đảm bảo điều kiện thoát khỏi tình trạng nghèo trong năm 2024.

A Lưới đảm bảo điều kiện thoát nghèo trong năm 2024
Đầu tư cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn

Để thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, một trong các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2025 là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn tỉnh giảm còn 1,84%. Để đạt tỷ lệ này, tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực giảm nghèo cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn.

Đầu tư cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn
Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia

Ngày 22/4, Đoàn giám sát của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng chủ trì.

Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia

TIN MỚI

Return to top