Ra đường, nhất là về chiều tối chúng ta rất ngại khi vừa phải đi cẩn thận, vừa phải đối phó với tài xế ô tô, xe máy say xỉn sau những cuộc vui ở các nhà hàng, quán nhậu. Có người từng nói: Khi say thì biển chỉ sâu ngang đầu gối. Không ngoa tí nào khi người ta có chút hơi men là bốc lên tận trời. Người say không bao giờ công nhận mình say, đòi uống thêm nữa, đến khi say mèm, đi không nổi.
Nguy hiểm nhất là “đường về nhà” của mỗi người sau cuộc vui. Thường thì khi đến bằng gì thì về bằng phương tiện đó. Với người Việt thì xe máy là phương tiện thông dụng nhất. Quán tính quen rồi cứ thế lên xe là phóng, không làm chủ tốc độ, không còn cảm giác xử lý. Lái ô tô cũng không ngoại lệ.
Luật Giao thông đường bộ quy định: Không điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn mức trên 50 miligam/100 mililit máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở. Với mức này thì có người chỉ hơn 1 ly bia là đã có thể vượt ngưỡng cho phép. Vì thế khi đã uống bia rượu nếu may mắn không gây ra tai nạn thì cũng đã vi phạm luật. Khổ nỗi là cưới, hỏi, sinh nhật, kỵ giỗ không đi không được, mời ăn mà không có bia rượu thì mất vui. Cứ thế là nâng ly cụng, cạn 100%. Không uống thì mất vui, uống vào vào rồi khi ra đường là phạm luật. Cứ thế người vô ý hay cố ý khi đã uống bia rượu đều phạm luật mà không bị xử lý, trừ khi tránh được cảnh sát. Xã hội sinh ra hỗn loạn, mất kỷ cương từ vi phạm kiểu này.
Quốc hội đang cho ý kiến về luật hạn chế tác hại của bia rượu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy định cán bộ công chức không uống chất có cồn trong giờ làm việc, buổi trưa và không được say sưa… Bên cạnh đó luật giao thông đã có chế tài xử phạt rất cụ thể. Vậy nhưng việc xử lý chưa đạt hiệu quả vì tập quán, thói quen người Việt và một phần của kinh doanh bia rượu. Theo một thống kê, bình quân đầu người Việt Nam tiêu thụ khoảng 40,8 lít bia/năm, đứng thứ 55 thế giới, thứ 2 châu Á sau Nhật bản. Nhìn con số để thấy dân ta còn nghèo nhưng sản xuất và tiêu thụ bia rượu không hề “kém anh kém em”.
Luật của nhiều quốc gia cũng nghiêm cấm sử dụng chất kích thích (có bia rượu) và được người dân tự giác chấp hành tương đối nghiêm túc. Ở nhiều nước hành vi sử dụng bia rượu khi lái xe bị xử phạt rất nặng, thậm chí là ngồi tù, bất kể có gây ra tai nạn hay không. Còn với chúng ta thì luật đã có chế tài, mức phạt cũng rất nghiêm nhưng người dân vẫn vi phạm tràn lan. Phải chăng luật của chúng ta đang tồn tại cái lệ. Lệ hay phong tục, thói quen đã làm cho luật kém hiệu lực trên thực tế đối với người sử dụng bia rượu.
Bia rượu với lái xe là 2 phạm trù khác nhau, nhưng khi lái xe mà uống bia rượu thì dễ đi đến điểm chung là gây tai nạn. Cần tuyên chiến thực sự quyết liệt với “thói quen ” giết người này.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH