Tai họa bất ngờ
Sự việc xẩy ra ngày 8/9 khi bà Lê Thị Kính (trú thôn Phước Hưng, xã Lộc Thủy) bất ngờ bị con bò đực nhà hàng xóm tấn công dẫn đến tử vong.
Không chỉ ở nông thôn, bò thả rông đang là vấn nạn ở các phường ven TP. Huế (Bò thả rông mất an toàn trên tuyến đường Võ Văn Kiệt, phường An Tây, TP. Huế)
Ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cho biết, sau khi sự cố xẩy ra, người dân mới cho hay, con bò này được nuôi lấy thịt, chuyên thả rông, vài tháng gần đây trở nên hung dữ, từng rượt đuổi, đe dọa khi có người xua đuổi. Tuy nhiên, khi thông tin này đến với chính quyền địa phương thì mọi chuyện đã muộn.
Về thôn Phước Hưng hai ngày sau sự cố, câu chuyện đau lòng vẫn còn xôn xao. Cảnh tang thương bao trùm lên gia đình ông Trần Thanh. Sự ra đi đột ngột của bà Kính bỏ lại ông cùng 3 đứa con, trong đó đứa út mới học lớp 7. Sau cái chết của bả Kính, người dân tỏ ra lo ngại khi tại đây, hầu hết bò nuôi đều thả rông, không có người chăn dắt.
Cách thôn Phước Hưng không xa, cũng trong này 8/9, cô giáo mầm non Nguyễn Thị Nguyên (sinh năm 1968) ở thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, trong khi trên đường đến trường đã va vào bò nhà thả rông bất ngờ băng qua đường. Vụ tai nạn bất ngờ làm cô Nguyên tử vong.
Một người dân thôn Phước Hưng cho hay, ngoài bò nuôi trên địa bàn thôn, các vùng lân cận các xã Lộc Vĩnh, Lộc Tiến…, tình trạng bò thả rông rất phổ biến. Có thời điểm, bò tràn ra dày đặc quốc lộ, gây ách tắc giao thông. Đầu năm đến nay, Quốc lộ 1A qua thôn Phước Hưng xẩy ra vài vụ va chạm giữa bò với xe máy, ôtô.
Cần biện pháp mạnh
Về động thái của địa phương sau sự cố bò húc chết người, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cho hay, trước mắt, xã đã đến động viên, hỗ trợ gia đình người bị nạn. Con bò gây chết người đã được chủ bán thịt, lấy tiền hỗ trợ ma chay cho người đã mất. Ông Hữu cho biết thêm, hiện xã Lộc Thủy có gần 100 con bò nuôi tại hộ gia đình, điều kiện chuồng trại sơ sài, hầu hết nuôi thả rông. Sắp đến, địa phương sẽ tổ chức tuyên truyền người dân rút kinh nghiệm, cảnh giác trong chăn thả.
Bà Trần Thị Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thủy thông tin thêm, tại các kỳ tiếp xúc cử tri, người dân của xã có phản ánh tình trạng trâu, bò thả rông phá hoại sản xuất, đặc biệt là diện tích rừng trồng. Địa phương nhiều lần tổ chức họp dân, nhắc nhở, vận động không nuôi thả rông trâu, bò nhưng khó hạn chế. “Việc cấm nuôi trâu, bò thả rông được đưa vào hầu hết các hương ước xây dựng làng, thôn văn hóa. Tuy nhiên cũng chỉ đưa vào như thế, còn mức thưởng, phạt ra sao vẫn chưa đặt ra”, bà Bình thông tin.
Hướng lâu dài, ông Hữu cho hay, địa phương đang triển khai dự án nuôi bò lai, với hình thức nuôi nhốt, hy vọng dần dần sẽ hạn chế bớt số lượng bò thả rông.
Riêng trách nhiệm liên quan của chủ trâu, bò khi gây ra sự cố chết người, ông Bùi Ngọc Thanh, Trưởng Công an xã Lộc Thủy cho biết, vụ việc đang được Công an huyện Phú Lộc thụ lý.
Đến nay, vấn nạn chăn thả bò rông gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại tài sản người dân, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, mất an toàn cho con người đã được Báo Thừa Thiên Huế nhiều lần phản ánh. Thực tế này đòi hỏi công tác xử lý phải quyết liệt hơn chứ không chỉ dừng lại ở hình thức vận động, tuyên truyền, nhắc nhở ở hầu hết các địa phương như lâu nay.
Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng.
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác.
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng; nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư.
|
Nhật Nguyên