ClockThứ Năm, 26/12/2013 05:57

Cần sớm di dời ra khỏi khu dân cư

TTH - Qua đường dây nóng Báo Thừa Thiên Huế, nhiều người dân bức xúc cho biết, họ nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT), đặc biệt là mùi hôi từ trại nuôi heo thịt của Công ty cổ phần Giống cây trồng vật nuôi tỉnh trên địa bàn xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà và lò mổ gia súc của Công ty cổ phần Phát triển thủy sản Huế trên địa bàn phường Phú Hậu, TP Huế. Nhưng đến nay, hôi vẫn hoàn hôi…

“Nói mãi…”

Đại diện Công ty cổ phần Giống cây trồng vật nuôi tỉnh cho biết, năm 2002, trại chăn nuôi nói trên xây dựng với mục đích nuôi gà giống bố mẹ, quy mô gồm 2000 con. Do dịch cúm gia cầm nên việc chăn nuôi gà bị thua lỗ. Năm 2004, công ty cải tạo trại, chuyển sang nuôi heo nái, dẫn đến ÔNMT. Đến năm 2010, công ty đã chuyển toàn bộ heo giống ra Phong Điền, trại chỉ còn nuôi heo thịt. Tổng đàn giảm từ 1.500 con xuống còn 600 con. Thời gian này, công ty cũng áp dụng nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng ÔNMT.
 
Lò mổ nằm trong khu dân cư phường Phú Hậu gây mùi hôi, tiếng ồn.
 
Theo báo cáo số 69 ngày 2-7-2013 về việc giải trình kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa VI: Trước đây đơn vị có dùng chế phẩm EM để xử lý mùi hôi, do không hiệu quả nên đã chuyển qua dùng hóa chất tiêu độc do Chi cục Thú y cung cấp. Tuy nhiên, qua kiểm tra, mùi hôi vẫn còn phát tán khá nhiều ra xung quanh. Lực lượng chức năng đã yêu cầu đơn vị có các giải pháp xử lý triệt để, vận hành thường xuyên hệ thống xử lý chất thải để giảm thiểu tình trạng ÔNMT.
Tại Công văn số 98 ngày 13-6-2012 của Chi cục Bảo vệ Môi trường gửi Sở Tài Nguyên - Môi trường trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, trại heo này gồm 40 chuồng với khoảng 700 con. Lượng nước sử dụng trung bình hàng ngày cho mỗi con heo 11 lít, lượng nước thải khoảng 0,8m3/ngày. Nước thải được xử lý qua 8 hầm biogas composite và 2 hầm biogas xây có thể tích 7m3/hầm. Nước thải sau xử lý được dẫn qua 3 hồ sinh học có diện tích 1.000m2/hồ. Sau khi trại giống đầu tư hệ thống biogas vào cuối năm 2010 đến nay thì không còn hiện tượng nước thải chảy tràn gây ÔNMT. Theo kết quả của đoàn kiểm tra liên ngành thị xã Hương Trà và qua khảo sát thực tế, khu vực trại có mùi nhẹ và nước thải cùng bã thải từ các hầm biogas được lưu lại trong 3 hồ sinh học phát sinh mùi ra khu vực khu dân cư xung quanh thuộc thôn Hải Cát 1 (xã Hương Thọ).
 
Công ty cũng thừa nhận, nhiều năm liền cho đến nay, năm nào cũng có phản ánh về ÔNMT thông qua ý kiến cử tri, đơn thư gửi cơ quan chức năng. Nhưng trước năm 2010, việc phản ánh nói trên là đúng, thời gian sau này công ty cho rằng, chỉ là ý kiến của một cá nhân có ý đồ không tốt. Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm đến thôn Hải Cát 1, nhiều người dân thôn này lắc đầu ngao ngán, vì phải chịu đựng mùi hôi bốc ra từ trại heo. “Năm nào dân cũng nói, cũng có ý kiến. Nói mãi, nhưng chẳng có gì thay đổi…” bà N.TH và T.T.H than thở.
 
Người dân lãnh đủ
 
 
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa VI (về lò mổ thuộc Công ty cổ phần Phát triển thủy sản Huế) có nội dung: đơn vị cần chủ động tiếp xúc với chính quyền và dân cư tại địa bàn để giải quyết kịp thời các kiến nghị của nhân dân, không để xảy ra tình trạng khiếu nại kéo dài, vượt cấp như hiện nay. Về lâu dài, UBND tỉnh đã chỉ đạo nghiên cứu xây dựng đề án di dời lò mổ đến địa điểm phù hợp để giải quyết dứt điểm tình trạng ÔNMT.
Năm nào cũng có ý kiến, nhưng rồi vẫn phải “lãnh đủ” mùi hôi thối nồng nặc cũng là tình cảnh của người dân sống gần lò mổ gia súc Công ty cổ phần Phát triển thủy sản Huế. Theo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa VI, công suất của lò mổ ở đây từ 350 đến 400 con heo mỗi ngày, hoạt động từ 2 giờ đêm đến 7 giờ sáng. Khuôn viên lò mổ thường xuyên lưu giữ khoảng 200 con. Chất thải rắn được thu gom bán cho người thu mua hàng ngày. Lò mổ có hệ thống xử lý nước thải gồm bể lắng lọc, sau đó qua 3 hồ sinh học trước khi thải ra sông. Do lò mổ nằm sát với khu dân cư nên có ảnh hưởng mùi hôi và tiếng ồn. Cán bộ môi trường UBND phường Phú Hậu cho hay, mùi hôi chỉ phát tán đến khoảng 8 giờ sáng. Sau khi việc giết mổ hoàn tất, “hiện trường” được giội nước, vệ sinh sạch sẽ nên mùi hôi giảm bớt rất nhiều.
 
Vậy nhưng, có mặt tại khu dân cư sát ngay bức tường ngăn cách với lò mổ vào buổi chiều, chúng tôi vẫn đinh tai, nhức óc với tiếng kêu của bầy heo và mùi hôi từ lò mổ. Theo người dân sống trong khu vực, mùi hôi và tiếng ồn mà họ phải chịu đựng là “không giới hạn”. Bất cứ lúc nào cũng hôi. Mùa nắng hôi nhiều hơn mùa mưa. Vào các thời điểm lò nhập heo về và giết mổ, mùi hôi và tiếng ồn “nặng” hơn. Nguyên nhân khi “xe heo” về đến nơi, người ta giội nước để làm sạch lượng phân hàng trăm con heo đã thải ra trong quá trình vận chuyển. Từ 3 giờ đến 8 giờ sáng (thời điểm giết mổ) người dân hết sức khổ sở vì mùi hôi và tiếng ồn.
 
Một cán bộ hưu trí cho biết, vào dịp gần Tết, số lượng heo nhập về để giết mổ tăng mạnh, theo đó mùi hôi và tiếng ồn cũng tăng. “Nhà dân nuôi khoảng 1, 2 con heo trong chuồng còn hôi, huống chi lò mổ lúc mô cũng có vài trăm con? Cứ cho rằng khi giết mổ xong người ta giội nước, nhìn vào khu vực lò mổ thấy sạch sẽ. Nhưng mùi hôi của phân và nước tiểu hàng trăm con heo mỗi ngày, lưu cữu từ ngày này qua ngày khác, thì không thể nào giải quyết được. ” - nhiều người dân bức xúc.  
 
Ông Tôn Thất Thạnh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng vật nuôi tỉnh:
 
“Cơ quan chức năng cần đo mùi hôi, có kết luận ở mức độ nào thì cho phép”
 
Sau khi người dân phản ánh về việc trại heo ở xã Hương Thọ ÔNMT, chúng tôi đã có nhiều biện pháp xử lý để giảm thiểu tối đa tình trạng này, đến nay không còn ô nhiễm từ nguồn nước thải. Trại nuôi heo nói không hôi là không đúng, nhưng theo chúng tôi, với quy trình nuôi như hiện nay, hố ga chứa nước để vệ sinh cho heo được xả (về hầm biogas để xử lý), thay mới hàng ngày, nên mùi hôi chỉ trong chừng mực. Lâu nay mùi hôi chỉ đánh giá bằng cảm quan. Cơ quan chức năng cần có biện pháp “đo” mùi hôi, có kết luận ở mức độ nào thì cho phép.
 
Ông Mai Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Hương Thọ:
 
“Cần di dời”
 
Ban đầu, mục đích của trại là nuôi gà, sau chuyển sang nuôi heo. Do nuôi số lượng quá lớn, chất thải nhiều, dẫn đến ÔNMT. Quá trình kiểm tra, huyện đã phạt công ty vì gây ô nhiễm. Công ty cũng có cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên về lâu dài Công ty cần chuyển sang nuôi gà như mục đích ban đầu hoặc phải di dời trại đến nơi khác, cách xa khu dân cư. Tình trạng ô nhiễm từ trại heo, không những ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực mà còn đe dọa ô nhiễm nguồn nước. Mặt khác, trong tương lai con đường ngang qua trại heo là đường đến điện Hòn Chén, nên để đảm bảo tốt về vấn đề môi trường, phục vụ khách du lịch, giải pháp “gốc rễ” nhất vẫn là di dời.
 
Bà Nguyễn Thị Nhung (người dân Phú Hậu):
 
“Đề nghị nhanh chóng thực hiện”
 
Đối với lò mổ gia súc ở Phú Hậu chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã kiểm tra. Lò mổ có những biện pháp xử lý hạn chế ÔNMT nhiều năm rồi, nhưng mùi hôi và tiếng ồn đâu vẫn hoàn đấy. Chúng tôi nghe tin tỉnh đã chỉ đạo nghiên cứu xây dựng đề án di dời lò mổ đến địa điểm khác thì rất mừng vì đây mới là biện pháp giải quyết rốt ráo vấn đề. Đề nghị chính quyền các cấp, cơ quan chức năng thực sự quan tâm, nhanh chóng thực hiện đề án nêu trên, đừng để “treo”, khiến người dân phải sống trong tình trạng ÔNMT kéo dài.
 
Duy Trí (ghi)
 
 
 
Quỳnh Anh - Thanh Hải
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ẩn họa” từ nạn trộm chó

Trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn phường Phú Thượng (TP. Huế) xuất hiện các đối tượng bắt trộm chó bằng đánh bả. Thực trạng này không chỉ gây hoang mang lo lắng cho người dân, mà còn tiềm ẩn nguy cơ chết người từ bả thuốc vứt vương vãi trên đường.

“Ẩn họa” từ nạn trộm chó
Nguy cơ tai nạn giao thông từ xe kéo đẩy, xe tự chế

Xe không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, xe ba, bốn bánh tự chế, xe mô tô, gắn máy kéo theo xe khác, vật khác luôn là nỗi ám ảnh của người đi đường khi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm trong quá trình tham gia giao thông.

Nguy cơ tai nạn giao thông từ xe kéo đẩy, xe tự chế
Đừng để "cái khó bó cái khôn"

Ở Huế có khá nhiều cây cầu được xây dựng từ khá lâu, đang xuống cấp, hư hỏng, chỉ được duy tu, sửa chữa hàng năm - Việc làm mà theo cơ quan, đơn vị quản lý - chỉ mang tính tạm thời, bởi nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất cao.

Đừng để cái khó bó cái khôn
Return to top