ClockThứ Năm, 24/10/2013 04:02

Cẩn thận khi đi xe đạp điện

TTH - Theo Luật Giao thông đường bộ (khoản 2, điều 31), người điều khiển và ngồi trên xe đạp máy (bao gồm cả xe đạp điện) phải đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, trên thực tế quy định này chưa được thực hiện nghiêm túc...

Vi phạm tràn lan

Khoảng vài năm trở lại đây, xe đạp điện trở thành phương tiện được giới trẻ và người cao tuổi tại TP Huế, các vùng nông thôn lựa chọn. Với nhiều ưu điểm như không cần bằng lái, không cần đổ xăng và tốc độ gần bằng xe máy... loại xe này ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Hiện chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng theo ước tính, riêng tại TP Huế đã có hàng trăm xe đạp điện. Tình trạng học sinh đi xe đạp điện chở 3, không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ... trên đường diễn ra phổ biến. Trên thực tế, có không ít vụ tai nạn liên quan đến xe đạp điện. Mới đây nhất, vào hồi 20h45’ ngày 20/9/2013, em N.C.T.H.L (sinh năm 1995) điều khiển xe đạp điện chở em L.H.N (sinh năm 1994) đi từ hướng cầu Gia Hội về đường Chi Lăng, đến địa điểm số nhà 219 Chi Lăng đã va chạm với xe mô tô mang biển kiểm soát 75B1-03784 do anh N.Đ.H (sinh năm 1994). Hậu quả em N.C.T.H.L bị gãy chân. Nguyên nhân được xác định là do em N.C.T.H.L điều khiển xe không đúng phần đường quy định.

Học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm xảy ra khá phổ biến

Thượng tá Trương Đình Đức, Phó Trưởng Công an TP Huế cho biết, từ năm 2011 đến nay, Công an TP Huế đã xử lý 8 vụ va chạm xe đạp điện với xe mô tô mà nguyên nhân chủ yếu là do xe đạp điện đi không đúng phần đường, không nhường quyền ưu tiên cho xe phân khối lớn, không giữ khoảng cách an toàn khi tham gia giao thông... Tuy chưa có nhiều vụ tai nạn giao thông về xe đạp điện gây chết người, nhưng việc va chạm giao thông từ xe đạp điện đang có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh việc xử lý các vụ va chạm, từ tháng 5-2013 đến nay, Công an TP Huế đã ra quân tạm giữ trên 300 xe đạp điện với lỗi không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ... Xử phạt trên 150 trường hợp theo Nghị định 71 ngày 19-9-2012 của Chính phủ.

Mặc dù Công an đã ra quân xử phạt và có nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến quy định về việc tham gia giao thông bằng xe đạp điện đến tận trường học, nhưng tại một số trường trên địa bàn TP Huế và các vùng lân cận vẫn xẩy ra tình trạng học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. Khi được hỏi, có em vẫn không biết quy định điều khiển xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm. Hoặc nhiều em biết, có đem theo mũ bảo hiểm, nhưng không đội với lý do: không có gì nguy hiểm khi tham gia giao thông và cũng chưa bị ai xử phạt...

Cần tuân thủ quy định

Theo Nghị định 71 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, người điều khiển, người ngồi trên xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ sẽ bị lập biên bản, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng và từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng nếu chủ phương tiện có hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông… Quy định như vậy, nhưng thực tế, đa phần người điều khiển xe đạp điện không thực hiện. Các loại xe đạp điện đang lưu hành có vận tốc tối đa lên tới 40-50 km/h, không phát ra tiếng nổ, đi êm, không có đèn “xi nhan”, khi sang đường, rẽ trái hay rẽ phải người đi sau rất khó phát hiện nên dễ xảy ra tai nạn. Xe đạp điện đang tiềm ẩn một mối nguy hiểm cho người điều khiển nó và cho những người tham gia giao thông.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Lê Triều Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội cho biết, thứ hai hàng tuần dưới cờ, trường đều phổ biến các quy định về an toàn giao thông, trong đó có vấn đề giao thông về xe đạp điện. Yêu cầu các em khi đi xe đạp điện phải tuân thủ các quy định, trong đó phải đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, do ý thức của các em chưa cao nên việc các em điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm vẫn xảy ra phổ biến. Những vi phạm của các em đều nằm ngoài phạm vi trường học nên rất khó khăn trong vấn đề xử lý. Nếu các em bị các ngành chức năng lập biên bản vi phạm gửi về nhà trường, nhà trường chắc chắn sẽ nhắc nhở, kiểm điểm học sinh đó trước buổi chào cờ để giáo dục chung và thông báo với phụ huynh; đồng thời sẽ có biện pháp xử lý về việc hạ bậc hạnh kiểm nếu em đó vi phạm lần thứ 2...

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đối tượng đi xe đạp điện hiện nay chủ yếu là học sinh, sinh viên. Do ý thức cộng với sự hiểu biết các quy định về pháp luật còn hạn chế nên tình trạng lưu thông bằng xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm xảy ra khá phổ biến. Trước thực trạng trên, các lực lượng chức năng cần phối hợp với nhà trường thực hiện nghiêm việc ký cam kết với học sinh và phụ huynh học sinh về việc sử dụng xe đạp điện phải chấp hành Luật Giao thông đường bộ, trong đó buộc phải đội mũ bảo hiểm. Tổ chức kiểm tra giám sát thường xuyên, tại chỗ việc chấp hành pháp luật của học sinh tại các chi đoàn, lớp; thực hiện thông báo rộng rãi tên, địa chỉ, nơi học tập, làm việc về đơn vị quản lý, các địa phương cư trú đối với hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của thanh, thiếu niên, có yêu cầu phản hồi khi thực hiện xử lý, giáo dục… Tăng cường công tác tuyên truyền về xe đạp điện trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao nhận thức cho người điều khiển xe đạp điện, phòng ngừa tai nạn giao thông do xe đạp điện gây ra. Do nguy cơ gây mất an toàn cao nên việc quản lý loại xe này cần được quy định chặt chẽ. Bên cạnh đó, người sử dụng xe cần nâng cao ý thức nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, không nên coi xe đạp điện chỉ là… xe đạp. Các gia đình trước khi mua xe cho con em nên trang bị đầy đủ những kiến thức liên quan và cách sử dụng xe an toàn, hiệu quả.

Bài và ảnh: Hải Huế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dự án Khu nhà ở Tam Thai: Rà soát, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý

Trong 5 kiến nghị mà kết luận Thanh tra tỉnh chỉ ra và yêu cầu Công ty CP Xây lắp Thừa Thiên Huế - chủ đầu tư Dự án (DA) Khu nhà ở Tam Thai và các đơn vị liên quan tiến hành khắc phục, đến nay mới chỉ thực hiện xong 1 kiến nghị. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Xây dựng rà soát DA, tham mưu xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự án Khu nhà ở Tam Thai Rà soát, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý
Hiểm họa từ pháo tự chế

Tết Nguyên đán đang đến gần, các vụ nổ do pháo tự chế trên cả nước là hồi chuông cảnh tỉnh đối với người dân, đặc biệt là lứa tuổi học sinh.

Hiểm họa từ pháo tự chế
Không nên lơ là, chủ quan với con trẻ

Rất nhiều bậc cha mẹ khi trông giữ con nhỏ vẫn còn lơ là, chủ quan, thiếu quan sát. Điều này tiềm ẩn nhiều vấn đề bất trắc có thể xảy ra mà không thể lường trước.

Không nên lơ là, chủ quan với con trẻ
WC ở trường học:
Thiếu để mắt sẽ mất ý nghĩa và thành lãng phí

Đầu tư là một chuyện, còn chăm sóc, quản lý, sử dụng lại là một chuyện. Nếu thiếu quan tâm quản lý, thì các nhà vệ sinh ở trường học sẽ rất nhanh bị xuống cấp, trở nên mất vệ sinh, và rồi lại trở thành nỗi ám ảnh cho mỗi học sinh khi có nhu cầu...

Thiếu để mắt sẽ mất ý nghĩa và thành lãng phí

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top