Thứ Ba, 03/12/2013 13:36
(GMT+7)
Cẩn trọng với cây so đo cam
TTH - Bà Nguyễn Thị Hương (phường Vỹ Dạ, TP Huế) điện thoại đến đường dây nóng Báo Thừa Thiên Huế thắc mắc vì sao loại cây so đo cam từng được xem là “kẻ xâm lăng” thầm lặng lại bắt đầu được trồng nhiều ở Huế trong thời gian gần đây, điển hình như tại đường Lý Thường Kiệt.
Theo thông tin chúng tôi thu thập được, năm 2003, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã đưa so đo cam (Spathodea Campanulata) (còn gọi là chuông đỏ, hồng kỳ, tulip châu Phi, uất kim hương châu Phi…) vào danh sách 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng. Tác hại của loại cây này được nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo tương tự như cây mai dương.
|
Cây so đo cam được trồng 2 bên đường Lý Thường Kiệt
|
Một số nhà nghiên cứu cây xanh cho biết, so đo cam có hạt nhỏ, nhẹ và có cánh nên phát tán rất rộng. Cây con tái sinh từ hạt rất khỏe. Chỉ trong vòng 5 - 10 năm, từ một cây mẹ có thể tạo ra hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây con cháu bằng con đường phát tán tự nhiên. Hiện nay, nhiều nước phát triển đã xem đây là loài cây xâm hại khó quản lý (Nhật bản, Hawaii, Fiji, Australia...).
Tại TP Huế, tuyến đường duy nhất được trồng so đo cam là đường Lý Thường Kiệt (năm 2011). So đo cam được chọn với lý do cây cho hoa đẹp. Hoa màu đỏ pha cam, nở rực rỡ vào mùa hè. Theo các cán bộ ở Trung tâm Công viên cây xanh Huế, so đo cam còn có ưu điểm là thân thẳng, tán lá xanh, ít rụng lá, ít sâu bọ. Cây trồng ở đô thị trong điều kiện đường và vỉa hè được bê tông hoá thì hạt cây rất khó phát tán và mọc bừa bãi.
Trong điều kiện trồng như vậy quả đúng so đo cam khó có cơ hội bành trướng. Song trên thực tế đang xảy ra những lo ngại khi không hiếm người dân trong tỉnh bị màu sắc của loài hoa này “mê hoặc” nên đã mua về trồng ở sân vườn, những vùng đất trống. Thế giới đã cảnh báo đây là loài cây có nguy cơ xâm hại, chắc chắn là có cơ sở, bởi vậy, vấn đề đặt ra từ bây giờ là công tác quản lý việc trồng loại cây này phải được quan tâm. Chúng tôi đồng tình với ý kiến của Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Cẩm, nguyên giảng viên Trường Đại học Nông lâm khi cho rằng: “Trước mắt tuy chưa có kết luận mang tính quốc gia rằng cây so đo cam là “loài xâm hại”, nhưng “nguy cơ xâm hại” thì không thể loại trừ. Cần tiên lượng cho thời gian vài ba chục năm sau chứ không chỉ thấy trước mắt. Cần hạn chế mở rộng vùng trồng, không đưa trồng ở các đô thị miền núi, đồng thời sớm có biện pháp kiểm soát thích hợp, khuyến cáo người dân đặc biệt là khu vực miền núi không trồng tự phát”.
Thùy Hương