ClockThứ Năm, 24/10/2013 04:02

Cần xử phạt nghiêm các trường hợp đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm

TTH - Do thiếu hành lang pháp lý cộng với sự tiện lợi nên tình trạng học sinh phổ thông sử dụng xe đạp điện tham gia giao thông trên đường phố đang gia tăng và luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Tình trạng học sinh “làm xiếc” đối với xe đạp điện, gây nguy hiểm cho bản thân người lái và người tham gia giao thông trên đường phố hiện nay như: Chở ba, chở bốn, vượt đèn đỏ, đánh võng, dàn hàng ngang, không đội mũ bảo hiểm, vừa đi vừa nghe nhạc… khó kiểm soát. Thượng tá Lê Văn Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Huế cho biết như vậy. 

Ông có thể nói rõ hơn những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra của người điều khiển xe đạp điện và những khó khăn trong xử lý hành chính?

Do xe đạp điện có trọng lượng nhẹ, đi êm không phát ra tiếng động, trong khi tốc độ tối đa lên tới hơn 40 km/giờ, nên dễ gây mất an toàn cho chính người điều khiển phương tiện. Nguy cơ gây tai nạn giao thông của xe đạp điện không kém xe máy bởi tốc độ tối đa cao, trong khi phần lớn người điều khiển lại là học sinh, kỹ năng vận hành phương tiện chưa cao. Đặc biệt, dù luật đã quy định, người điều khiển xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm, nhưng đại đa số không đội. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông do xe đạp điện gây ra. 

Nghị định 34/CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định rõ những hành vi vi phạm đối với xe đạp điện như: Không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường cấm, đường ngược chiều, đi không đúng làn đường, đeo biển kiểm soát giả... sẽ bị xử phạt từ 40.000 - 200.000 đồng, cao nhất có thể tịch thu phương tiện. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vi phạm vẫn khó xử lý, vì người sử dụng xe đạp điện không cần có bằng lái nên không thể tạm giữ bằng; xe đạp điện không cần giấy đăng ký nên không thể lập biên bản vi phạm và thu giữ giấy tờ xe… Việc áp dụng hình thức xử phạt tại chỗ cũng khó khăn vì đa phần đối tượng vi phạm là học sinh. Lỗi vi phạm chủ yếu hiện nay là người sử dụng xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm nhưng luật không quy định không đội mũ bảo hiểm thì bị tịch thu phương tiện… Do đó, nhiều trường hợp đi xe đạp điện vi phạm quy định về an toàn giao thông nhưng lực lượng CSGT chỉ nhắc nhở mà không áp dụng xử phạt theo quy định và lâu dần, việc chấp hành luật bị coi nhẹ.

Trước mắt, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP Huế có những giải pháp nào?

Học sinh, sinh viên là đối tượng đang sử dụng xe đạp điện nhiều nhất. Chính vì vậy, công tác phòng ngừa tai nạn và vi phạm pháp luật về giao thông luôn được quan tâm. Công an TP Huế đã phối hợp với các trường học xây dựng các biện pháp phòng ngừa, tăng cường tuyên truyền phổ biến quy định về việc tham gia giao thông bằng xe đạp điện đến tận trường học và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhằm phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng trường học an toàn, lực lượng cảnh sát giao thông yêu cầu các đơn vị, trường học phải quản lý, thống kê số lượng học sinh sử dụng phương tiện xe đạp điện đến trường.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông, lực lượng CSGT Công an TP Huế đã tập trung lực lượng, phương tiện tăng cường công tác tuần tra kiểm soát để phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các tổ Cảnh sát giao thông đã tổ chức tuần tra kiểm soát trên các tuyến phố, các cổng trường học, nơi tập trung nhiều học sinh, sinh viên để phát hiện và xử lý. Hiện, CSGT TP Huế đã xử lý hơn 150 trường hợp xe đạp điện vi phạm. Những trường hợp vi phạm sẽ được thông báo về cho trường học, cơ sở đào tạo, gia đình để cùng phối hợp giáo dục.

Với các trường hợp vi phạm, lực lượng CSGT sẽ xử phạt theo quy định. Học sinh dưới 16 tuổi đi xe đạp, xe máy điện, sẽ bị lập biên bản gửi về gia đình trường học, thông báo về địa phương để tuyên truyền giáo dục. Đối với các em học sinh từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi ngoài thông báo về gia đình, nhà trường địa phương thì lực lượng CSGT sẽ tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt, mức vi phạm sẽ bằng 1/2 mức xử phạt của người lớn. 

Về lâu dài, cơ quan chức năng cần có những giải pháp nào nhằm hạn chế nguy cơ mất an toàn từ xe đạp điện?

Đối tượng điều khiển phương tiện thường là học sinh phổ thông, chưa đến tuổi vị thành niên. Luật chưa yêu cầu phải có bằng lái nên khi đối tượng này tham gia giao thông có vi phạm vẫn khó xử phạt. Xe đạp điện không phải đăng ký quản lý, nên CSGT khó lập biên bản để tạm giữ phương tiện đối với những trường hợp vi phạm. Do vậy, quan trọng nhất vẫn là bổ sung chế tài, vì chế tài xử phạt hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe. Qua đây, CSGT cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên cho học sinh dưới 13 tuổi điều khiển xe đạp điện; khi sử dụng phải đội mũ bảo hiểm; gia đình, nhà trường cần tăng cường giáo dục học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm pháp luật khi tham gia giao thông bằng xe đạp điện. Nên chăng cần có quy định những người điều khiển xe đạp điện phải tham gia học luật giao thông trong một thời gian nhất định; tuổi đi xe này phải trên 15. 

Trước thực trạng xe đạp điện phát triển quá nhanh, trong khi hệ thống các văn bản pháp luật còn nhiều “kẽ hở”, gây khó khăn cho việc quản lý và xử phạt, rõ ràng các cơ quan chức năng cần sớm họp bàn, xây dựng và ban hành các quy định khung xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.

Xin cảm ơn ông!

Thái Bình (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dự án Khu nhà ở Tam Thai: Rà soát, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý

Trong 5 kiến nghị mà kết luận Thanh tra tỉnh chỉ ra và yêu cầu Công ty CP Xây lắp Thừa Thiên Huế - chủ đầu tư Dự án (DA) Khu nhà ở Tam Thai và các đơn vị liên quan tiến hành khắc phục, đến nay mới chỉ thực hiện xong 1 kiến nghị. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Xây dựng rà soát DA, tham mưu xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự án Khu nhà ở Tam Thai Rà soát, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý
Hiểm họa từ pháo tự chế

Tết Nguyên đán đang đến gần, các vụ nổ do pháo tự chế trên cả nước là hồi chuông cảnh tỉnh đối với người dân, đặc biệt là lứa tuổi học sinh.

Hiểm họa từ pháo tự chế
Không nên lơ là, chủ quan với con trẻ

Rất nhiều bậc cha mẹ khi trông giữ con nhỏ vẫn còn lơ là, chủ quan, thiếu quan sát. Điều này tiềm ẩn nhiều vấn đề bất trắc có thể xảy ra mà không thể lường trước.

Không nên lơ là, chủ quan với con trẻ
WC ở trường học:
Thiếu để mắt sẽ mất ý nghĩa và thành lãng phí

Đầu tư là một chuyện, còn chăm sóc, quản lý, sử dụng lại là một chuyện. Nếu thiếu quan tâm quản lý, thì các nhà vệ sinh ở trường học sẽ rất nhanh bị xuống cấp, trở nên mất vệ sinh, và rồi lại trở thành nỗi ám ảnh cho mỗi học sinh khi có nhu cầu...

Thiếu để mắt sẽ mất ý nghĩa và thành lãng phí

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top