Thứ Bảy, 27/09/2014 20:40
(GMT+7)
Đừng “tiếp sức” cho tiền lệ xấu
TTH - Xưa nay, có công thì thưởng, có tội thì phạt. Đó là lẽ thường tình. Cơ quan tôi cũng thuộc loại có bề dày lịch sử. Tầm hơn tám mươi năm. Bạn bè “cùng trang cùng lứa” đã được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu bậc cao. Riêng cơ quan tôi thì vẫn còn đâu… bậc khởi điểm. Đơn giản có lẽ các bậc lãnh đạo tiền bối ham cắm cúi làm việc mà quên mất cái chuyện khen thưởng. Không khen nên nhiều khi anh em cũng thiệt. Lâm chuyện mới biết. Vậy nên, đời thủ trưởng gần đây rất quan tâm, thành lập ban bệ, phân công trách nhiệm hẳn hòi. Công tác thi đua khen thưởng của cơ quan cũng nhờ thế đi vào nề nếp. Ngoài khen ở các cấp địa phương, bộ, ngành. Dạo vừa rồi, đối chiếu tiêu chí và theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, cơ quan tôi cũng làm hồ sơ đề nghị được tặng thưởng Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng. Hồ sơ gửi đi, và chờ xét. Cũng định nếu được và về kịp thì tổ chức trước ngày thủ trưởng nghỉ hưu cho khí thế và thêm phần ý nghĩa. Nhưng rốt cuộc lỗi hẹn.
Thủ trưởng về hưu đã mấy tháng, từ Hà Nội, một nhân viên nào đó điện vào báo tin vui. Huân chương, Bằng khen của cơ quan tôi đã được phê chuẩn, sắp gửi vào. Rất phấn khởi. Không phải vì cái danh, mà thấy rằng sự cố gắng, sự nỗ lực chung của anh em toàn cơ quan được ghi nhận. Nhưng niềm vui chưa kịp rạo rực thì cũng đầu dây kia, nhân viên báo tin đã… rất chuyên nghiệp, sau mấy câu chúc mừng bèn đặt điều kiện: Ký cho tờ báo của ngành (?) trang tuyên truyền nhân sự kiện có ý nghĩa trọng đại này. Liền theo đó là giá hợp đồng được đưa ra không hề rẻ.
Đang vui, bỗng nhiên thấy hụt hẫng và bị xúc phạm. Cơ quan chúng tôi là cơ quan truyền thông. “Anh em một nhà” vậy mà họ cũng không tha. Huống hồ những doanh nghiệp, nhưng cơ quan thuộc hàng “cá mập” khác?!! Hoá ra ở đầu mối, họ cứ ngồi chờ Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ ký khen ai là lập tức “rà đài”, đặt vấn đề rất… dung tục thế ư. Vậy có khác gì họ lợi dụng việc làm của các đồng chí lãnh đạo để trục lợi?
Quảng cáo, tuyên truyền là một trong những hoạt động không thể thiếu của các đơn vị, doanh nghiệp. Song, người ta sẽ thực hiện khi thực sự có nhu cầu. Hoặc về mặt tình cảm, có khi người ta ký một hợp đồng để ủng hộ, để ấm áp mối quan hệ hữu nghị với một cơ quan báo chí thân quen nào đó. Còn quảng cáo, tuyên truyền kiểu như đã nói ở trên thì ngay cả các nhà báo chân chính cũng phải đỏ mặt.
Trở lại với cái vụ khen cao của cơ quan tôi. Nếu có dư dả tiền bạc đi nữa, thì với quan điểm cá nhân, tôi dứt khoát không ủng hộ. Tôi cũng rất mong các cơ quan khác đừng bao giờ ủng hộ. Hãy đừng chung tay tạo- hay chính xác hơn là “tiếp sức” cho một tiền lệ tệ hại, làm băng hoại uy tín của truyền thông, của báo chí nước nhà.
Hiền An