ClockThứ Sáu, 12/03/2021 11:08

Ép người quá đáng

TTH.VN - Những phiền toái từ đường sắt cắt đường bộ đã được nhiều người, nhiều cơ quan báo, đài lên tiếng, kiến nghị, đề xuất giải pháp… Chẳng rõ ngành đường sắt có đọc báo, nghe đài...

Nhà tôi ở miệt Nam Giao. Cơ quan phía chợ Bến Ngự. Từ nhà đến cơ quan chưa được 2 cây số, xe chạy nhẩn nha, cũng tối đa chưa được mươi phút là tới. Hôm ấy có cuộc họp tại cơ quan, tính hay cẩn thận nên để trừ hao, tôi đi sớm trước giờ họp chừng nửa tiếng. Vậy mà cuối cùng vẫn trễ. Chuyện như nói ngoa, nhưng sự thật đúng là như vậy.

Nguyên do? Chẳng gì khác lạ, vẫn là “anh” tàu hỏa bắc-nam đường sắt cắt ngang đường bộ.

Thực trạng đường sắt giao cắt với đường bộ là câu chuyện “mặc định” xưa nay. Thời đất rộng người thưa, giao thông còn thong thả thì không có vấn đề gì. Lâu lâu tàu hỏa chạy qua, xe cộ đứng chờ “dòm dòm” chút cũng vui. Nhưng sau này, đất chật người đông, nhịp sống công nghiệp hóa, xe cộ như mắc cửi, thì việc mỗi khi có tàu chuẩn bị chạy ngang, các barrier hạ xuống để chắn đường nhằm bảo đảm an toàn chạy tàu lại là vấn đề. Nó gây ra rất nhiều phiền phức, tốn kém thời gian, hao phí nhiên liệu, ô nhiễm môi trường…

Phiền nhưng đành chấp nhận chứ không cách nào khác, bởi ai cũng hiểu đất nước chưa giàu có gì mà có thể hô một cái là có thể nắn tuyến, đưa đường sắt ra khỏi đô thị, hoặc có thể làm cầu vượt, hầm chui ở mọi điểm giao cắt. Thế nên, “sống chung” là giải pháp hiện thời. Có điều, đường bộ sống chung với đường sắt thì đường sắt cũng phải biết cách sống chung hài hòa với đường bộ, đừng cậy thế ưu tiên mà gây quá nhiều phiền nhiễu cho đường bộ. Đó là, ngành quản lý đường sắt cần tính toán, phân bố giờ chạy tàu sao đó để tránh đi ngang đô thị vào những giờ cao điểm; phải thông tin sao đó để các gác chắn không kéo/hạ quá sớm, khiến người và phương tiện giao thông đường bộ phải dừng chờ quá lâu…

Những phiền toái từ đường sắt cắt đường bộ đã được nhiều người, nhiều cơ quan báo, đài lên tiếng, kiến nghị, đề xuất giải pháp… Chẳng rõ ngành đường sắt có đọc báo, nghe đài không mà thấy tình hình chẳng mấy biến chuyển.

Như trường hợp hôm về họp cơ quan đi sớm nửa tiếng nhưng vẫn trễ mà tôi đang kể, xe xuống đến giữa dốc Bến Ngự thì tắt do barrier chắn lối. Chờ tàu! Điều khôi hài là cả con tàu chở hàng dài ngoằng từ trong nam ra, khi đến đây thì dừng hẳn, không tới cũng chẳng lui. Cứ đứng mãi đứng mãi, 15 phút trôi qua vẫn chưa thấy nhúc nhích. Nhiều chiếc xe máy thấy tình thế không ổn vội quay lui, tìm đường khác. Riêng ô tô thì đành chịu cứng. Tôi nghĩ thầm, kiểu này mà xui xẻo có cháy nhà hoặc có người đang trên đường đi cấp cứu thì chết chắc! Khi con tàu chuyển bánh từ từ rời đi, thì cả con đường Phan Bội Châu cũng chật cứng phương tiện bị dồn ứ. Lại phải mất kha khá thời gian mới thoát được.

Chiều về, than phiền sự cố với một người hàng xóm đang công tác tại cơ quan quản lý đường sắt khu vực Bình Trị Thiên, ông bảo, đó là do trong ga Huế chưa rảnh đường cho tàu vào. Thế có chết không chứ?!! Phương tiện thông tin bây giờ đâu thiếu, nếu chưa bố trí đường đường thì lẽ ra tàu phải dừng chờ ở ga Hương Thủy cách Huế chưa tới chục cây số. Hoặc tạm dừng ở đoạn ga An Cựu, hay Cống Bạc nơi không có giao cắt với đường bộ mới đúng chứ. Ai lại đứng bất tử giữa đường, ép người quá đáng như thế?!!

Mong rằng lần này thì lời than phiền sẽ đến được tai nhà tàu!

Clip ghi hình nhiều xe máy chờ tàu lâu quá phải quay lui, tìm đường khác

Huy Khánh

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối thông qua tăng cường kết nối giao thông

Theo một bài phân tích trên trang CNA, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại trong khu vực thông qua việc xây dựng mạng lưới giao thông và hậu cần tốt hơn. Điều này cũng sẽ cho phép các quốc gia thành viên tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro địa chính trị và kinh tế đang ngày càng gia tăng.

ASEAN nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối thông qua tăng cường kết nối giao thông
Kỳ vọng đường sắt tốc độ cao

Dự án (DA) Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vừa được Quốc hội thông qua nghị quyết chủ trương đầu tư. Theo phương án đề xuất trình Quốc hội, DA Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài toàn tuyến khoảng 1.541km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh) đi qua địa phận 20 tỉnh, thành, trong đó có Huế. DA được thiết kế có tốc độ 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa…

Kỳ vọng đường sắt tốc độ cao

TIN MỚI

Return to top