ClockThứ Hai, 10/06/2019 08:41

Flycam cần được quản lý chặt chẽ

TTH - Flycam (thiết bị bay tích hợp quay phim, chụp ảnh) hiện nay đã trở thành một trào lưu phổ biến, tuy vậy flycam cũng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Công an làm việc với đối tượng sử dụng flycam ở sân bay Liên Khương (ảnh cắt từ clip)

Xâm nhập cả khu vực cấm

Không ít vụ việc thiết bị bay này đã thâm nhập trái phép vào khu vực cấm như doanh trại quân đội, công an, cơ quan Nhà nước; những nơi nhạy cảm về an ninh, quốc phòng như khu vực biên giới, quân cảng và sân bay kể cả sân bay dân sự.

Sự xuất hiện của những thiết bị này trong khu vực sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) vừa qua đã uy hiếp trực tiếp đến an toàn bay, làm một chuyến bay đến Nội Bài phải hoãn giờ cất cánh. Trong nhiều hoạt động chính trị - xã hội quan trọng của địa phương, đã không ít lần bị quấy rầy thậm chí là tạm dừng chỉ vì flycam. Trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại Festival Huế 2018, một chiếc flycam bay thấp, gây tiếng động lớn đã gây ra sự phản ứng của khán giả, cơ quan chức năng phải rất vất vả mới tìm ra và yêu cầu chủ nhân chiếc flycam ngừng hoạt động vì không có giấy phép bay của cơ quan có thẩm quyền.

Không những thế, các đối tượng thù địch trong và ngoài nước còn lợi dụng những tính năng của flycam để tổ chức các hoạt động phá hoại, thả truyền đơn, kêu gọi người dân xuống đường biểu tình, gây bạo loạn. Điển hình, trong vụ việc bạo loạn tại một số địa phương phản đối Dự thảo Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ nhiều thiết bị flycam được các đối tượng phản động sử dụng để tuyên truyền, kích động người dân đi biểu tình. Hay như việc chứng kiến chiếc flycam bay sát đường dây điện cao thế 550kw để lấy khung cảnh, người viết không khỏi thót tim, chỉ một phút bất cẩn cánh quạt vướng vào dây điện thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.

Dễ mua, dễ bay nhưng khó quản lý

Hiện nay, flycam trở nên phổ biến, giá thành không quá cao, với nhu cầu cơ bản thì chỉ với số tiền từ 5 đến 10 triệu đồng người chơi có thể sở hữu chiếc flycam ưng ý. Bên cạnh đó, người sử dụng còn có thể đặt mua từ các trang website, các trang mạng xã hội.

Một người làm dịch vụ quay phim, chụp ảnh đám cưới chia sẻ: Nhiều cặp vợ chồng trẻ lựa chọn gói dịch vụ có sử dụng cảnh quay flycam vì nó độc, lạ và có tính nghệ thuật nên đa số những người làm dịch vụ ảnh cưới đều sắm cho mình ít nhất một chiếc flycam. Tuy nhiên khi được hỏi việc đăng ký với cơ quan chức năng theo quy định thì người này tỏ ra ngạc nhiên, theo anh này việc sử dụng flycam là việc bình thường, không cần phải xin phép vì nó chỉ phục vụ mục đích làm ăn của bản thân. Một nhiếp ảnh gia khác cho biết, mặc dù có biết các quy định về việc xin phép bay flycam nhưng vì ngại thủ tục nên đành phải ... “bay lậu”.

Việc quản lý hoạt động của flycam ở nước ta hiện nay được thực hiện theo Nghị định số 36/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý tàu bay không người lái và thiết bị bay siêu nhẹ. Tuy nhiên trên thực tế việc bay tự phát với tầm bay cao, khoảng cách xa, bay với số lượng lớn,... khiến việc xác định vị trí người điều khiển thiết bị của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các khu vực có địa hình phức tạp; trong khi đó, ý thức tự giác chấp hành các quy định của Nhà nước của một bộ phận người sử dụng flycam hiện nay chưa cao...

Thực tiễn cũng cho thấy, quy định của Nghị định 36/2008/NĐ-CP cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế gây khó khăn cho cả người sử dụng lẫn cơ quan chức năng trong việc quản lý. Theo đó, các cá nhân, tổ chức muốn sử dụng flycam để quay phim, chụp ảnh thì phải có đơn đăng ký gửi đến Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng), cam kết bay đúng độ cao, phạm vi hoạt động, mục đích bay... Mặt khác, mỗi lần xin phép chỉ áp dụng cho 1 lần bay. Theo ý kiến của nhiều người, sở dĩ họ ngại đi xin giấy phép bay cũng là do thủ tục quá phức tạp, mỗi lần bay phải xin phép đến Bộ Tổng Tham mưu, thời gian chờ đợi để được giải quyết lâu trong khi đó có nhiều sự kiện, cảnh vật,... cần phải nắm bắt, ghi nhận kịp thời. Bên cạnh đó, chế tài xử lý các hành vi bay trái phép còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên nhiều người chấp nhận bay không phép.

Chính phủ cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý hoạt động bay của các thiết bị bay siêu nhẹ cũng như chế tài xử lý hành vi bay trái phép; nên chăng, cần giao quyền cấp phép này cho cơ quan quân sự tại các địa phương; đồng thời, tăng mức xử phạt để đủ sức răn đe. Tổ chức các câu lạc bộ hàng không, câu lạc bộ flycam... để thuận lợi cho việc tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật liên quan.

Bài, ảnh: HOÀNG ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Siết chặt quản lý phương tiện ô tô vi phạm tốc độ

Tình trạng xe container, đầu kéo, xe hợp đồng chở khách, xe chạy tuyến cố định vi phạm tốc độ dù đã được kiểm tra, xử lý nhắc nhở thường xuyên, song vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Giải pháp đặt ra vẫn là quản lý chặt chẽ hơn nữa, xử lý nghiêm hơn nữa các phương tiện vi phạm để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này.

Siết chặt quản lý phương tiện ô tô vi phạm tốc độ
QUẢN LÝ TRẬT TỰ ĐÔ THỊ VÀ AN TOÀN GIAO THÔNG:
Vào cuộc tích cực, không ngại va chạm

Đó là quan điểm và tinh thần chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh trước thực trạng người dân xây dựng, lắp đặt các biển hiệu, biển quảng cáo lấn chiếm công trình, vỉa hè, che khuất hệ thống an toàn giao thông (ATGT), phần đường dành cho người đi bộ… làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, trật tự ATGT.

Vào cuộc tích cực, không ngại va chạm

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top